Nhà đầu tư được chỉ định với năng lực tài chính yếu, báo cáo tài chính không minh bạch,… gây ra rủi ro nhiều hơn khi cho vay, dẫn đến lãi suất cao. Ảnh: Lê Tiên |
Có nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới này sẽ tháo gỡ một phần nút thắt về lãi suất, nhưng để đảm bảo dự án có được chi phí lãi vay hợp lý, quan trọng nhất vẫn là đấu thầu rộng rãi để lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực.
Tăng trần lãi suất vốn vay
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 75/2017/TT-BTC (TT 77) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 55/2016/TT-BTC (TT 55) quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.
Thông tư mới sửa đổi, bổ sung Điều 17 của TT55 quy định về mức lãi suất vốn vay đối với dự án PPP.
Với các dự án BOT, vốn vay thường chiếm tới trên dưới 85% tổng mức đầu tư, trần lãi suất quyết định rất nhiều đến phương án tài chính của dự án. TT 55 quy định mức lãi suất vốn vay không quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới phương thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), mức lãi suất cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại đều cao hơn mức lãi suất quy định tại TT 55. Bộ GTVT kiến nghị cho phép áp dụng mức lãi suất vốn vay tính toán trong phương án tài chính được xác định bằng mức lãi suất cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của 3 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank) để tính toán phương án tài chính ban đầu. Giá trị cuối cùng thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Từ thực tiễn này, TT 75 đã sửa đổi theo hướng trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà đầu tư được lựa chọn. Trường hợp chỉ định nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) và nhà đầu tư. Mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận phải đảm bảo theo các nguyên tắc không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu TPCP có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án PPP (hợp đồng dự án) trong 10 phiên đấu thầu phát hành thành công trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án. Trường hợp số phiên đấu thầu phát hành thành công TPCP có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án trong vòng 6 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án nhỏ hơn 10 phiên, mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu TPCP có kỳ hạn tương ứng trong thời hạn 6 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án. Đồng thời, không vượt quá mức lãi suất trung bình cho vay trung hạn và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.
Mấu chốt vẫn là phải đấu thầu
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, tư vấn độc lập về tài chính công, việc giải quyết vấn đề trần lãi suất như TT 75 chỉ là gỡ cho các dự án chỉ định nhà đầu tư. Bởi thực tiễn vừa qua hầu hết dự án BOT chỉ định nhà đầu tư, nếu đấu thầu rộng rãi từ đầu thì sẽ không phát sinh vướng mắc về trần lãi suất, bởi vì mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở HSDT của nhà đầu tư được lựa chọn.
Theo thông lệ quốc tế, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT), báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham khảo ý kiến từ các ngân hàng thương mại để xác định mức lãi suất vốn vay phù hợp trong BCNCTKT hoặc BCNCKT để làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Mức lãi suất vốn vay quy định trong hợp đồng BOT phụ thuộc vào kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và kết quả đàm phán giữa CQNNCTQ và nhà đầu tư. Với phương thức thực hiện nay, mức lãi suất vốn vay trong các hợp đồng BOT phản ánh đúng mức lãi suất vốn vay mà nhà đầu tư phải huy động để thực hiện dự án.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho rằng, mức lãi suất vay phụ thuộc nhiều vào việc đánh giá mức độ rủi ro của khoản vay và năng lực của đối tượng vay. “Nếu đấu thầu rộng rãi, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, quá trình đánh giá minh bạch, rủi ro phân chia rõ ràng, ngân hàng sẽ yên tâm cho vay với lãi suất thấp hơn. Do chỉ định thầu, nên rất nhiều nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực tài chính yếu, nợ xấu, báo cáo tài chính không minh bạch,… gây ra rủi ro nhiều hơn khi cho vay, dẫn đến lãi suất cao và vướng quy định về trần lãi suất”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà nhận định.