Đấu thầu tại Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khoáng sản: “Dính” kiến nghị vì vội vàng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Lấy và phân tích mẫu được Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khoáng sản (thuộc Cục Khoáng sản Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố, 2 nhà thầu bị loại đã có đơn kiến nghị phản đối cách đánh giá được cho là vội vàng, chủ quan của Bên mời thầu. 
Gói thầu Lấy và phân tích mẫu thuộc Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá hiện trạng công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản. Ảnh minh họa: Internet
Gói thầu Lấy và phân tích mẫu thuộc Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá hiện trạng công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản. Ảnh minh họa: Internet

Gói thầu trên có giá 2,834 tỷ đồng, thuộc Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá hiện trạng công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động điều tra cơ bản địa chất, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và đề xuất các chính sách, quy định pháp luật có liên quan phục vụ xây dựng pháp luật về địa chất và khoáng sản, thu hút 5 nhà thầu tham dự.

Ngày 2/4/2023, Bên mời thầu có quyết định phê duyệt Công ty CP Quan trắc và Xử lý môi trường Thái Dương trúng thầu với giá 2,668 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng 240 ngày, loại hợp đồng trọn gói.

Ngay sau đó, 2 trong số các nhà thầu bị loại đã có đơn kiến nghị về cách đánh giá HSDT. Theo đó, Liên danh Viện Y học lao động và Công nghệ môi trường - Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường cho biết, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật của HSMT có yêu cầu: “Các thiết bị thực hiện lấy mẫu và phân tích mẫu phải có đầy đủ giấy chứng nhận hiệu chuẩn còn hiệu lực (áp dụng phương pháp đánh giá đạt/không đạt)”. Theo báo cáo đánh giá HSDT, Liên danh kê khai máy phóng xạ α, β nhưng không đính kèm giấy chứng nhận hiệu chuẩn và không có cam kết đính kèm giấy hiệu chuẩn máy phóng xạ Alpha và Beta, do đó bị đánh giá không đạt.

Về phía Công ty CP Liên minh Môi trường và Xây dựng, báo cáo đánh giá HSDT cũng thể hiện Nhà thầu không đạt với lý do thiết bị đo hoạt động phóng xạ Alpha và Beta có giấy hiệu chuẩn, tuy nhiên giấy hiệu chuẩn đã hết hiệu lực ngày 5/1/2024.

Trong đơn kiến nghị, 2 nhà thầu cùng cho rằng, theo quy định pháp luật về đấu thầu, trường hợp thiết bị chủ yếu (nếu có) mà nhà thầu đề xuất trong HSDT không đáp ứng yêu cầu, bên mời thầu cho phép nhà thầu bổ sung, thay thế. Nhà thầu được phép bổ sung, thay thế một lần đối với từng thiết bị trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 3 ngày làm việc. Trường hợp nhà thầu không có thiết bị thay thế đáp ứng yêu cầu của HSMT thì nhà thầu bị loại. Do đó, theo các nhà thầu, việc Bên mời thầu không gửi văn bản yêu cầu làm rõ để nhà thầu có quyền bổ sung, thay thế thiết bị, mà đánh giá ngay không đạt là không đúng quy định của pháp luật.

Trước kiến nghị của các nhà thầu, ngày 9/4/2024, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khoáng sản ra quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà thầu. Sau khi hủy thầu, Bên mời thầu cho biết, đã ghi nhận các hồ sơ, tài liệu mà nhà thầu gửi bổ sung và tiến hành xác minh, làm rõ tính hợp pháp, hợp lệ của các hồ sơ, tài liệu đó theo quy định.

Chuyên gia về đấu thầu cho rằng, “độ mở” của pháp luật đấu thầu hiện hành cho phép nhà thầu có quyền bổ sung, thay thế, làm rõ các thông tin đã kê khai nhằm chứng minh năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật tại HSDT như nhân sự, thiết bị, thậm chí cả khi đề xuất thiếu tài liệu về hợp đồng nguyên tắc hay các dạng cam kết... Do đó, trường hợp nhận thấy các nội dung này tại HSDT chưa bảo đảm, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu làm rõ, không được loại bỏ ngay HSDT nhằm tạo nhiều cơ hội cho nhà thầu, tránh bỏ sót nhà thầu thực sự có năng lực.

Tin cùng chuyên mục