Cần thực hiện kiểm toán các công trình BOT

(BĐT) - Đó là khuyến nghị của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam trong cuộc trao đổi với Báo Đấu thầu xung quanh việc nở rộ các dự án BOT đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ. 
Cần lấy số liệu quyết toán đã được kiểm toán làm cơ sở tính toán mức thu và thời hạn thu phí. Ảnh: Lê Tiên
Cần lấy số liệu quyết toán đã được kiểm toán làm cơ sở tính toán mức thu và thời hạn thu phí. Ảnh: Lê Tiên

Khẳng định ý nghĩa, vai trò to lớn của việc khai thông nguồn vốn xã hội vào xây dựng các dự án đường bộ, nhưng ông Thanh cũng chỉ ra không ít bất cập trong việc triển khai các dự án này. 

Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển nhanh chóng các dự án BOT giao thông trong 2 năm trở lại đây?

Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và hàng loạt văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã thực sự mở ra một hướng đi mới trong việc huy động nguồn vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Kết quả là những tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 đã được nâng cấp mở rộng, 700 km đường cao tốc được xây mới giúp lưu thông hàng hóa, hành khách thuận lợi hơn, giảm thiểu tai nạn giao thông. Nếu không xã hội hóa, tôi nghĩ không thực hiện được trong bối cảnh ngân sách eo hẹp.

Tôi tin chất lượng các công trình BOT cũng được bảo đảm bởi nhà đầu tư phải theo đuổi dự án nhiều năm tiếp theo trước khi bàn giao cho Nhà nước. Có thể nói, chính sách nhất quán của Nhà nước trong việc xã hội hóa nguồn vốn phát triển hạ tầng đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Nếu không có chính sách đó sẽ không có những tuyến đường to, đẹp, hiện đại như ngày nay.

Cần thực hiện kiểm toán các công trình BOT ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Thanh
Gần đây, dư luận đặt ra vấn đề mức thu phí cao, thời gian thu phí kéo dài trên các tuyến đường xây dựng theo hình thức BOT. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Mức thu phí, thời gian thu phí được đưa ra dựa trên tính toán của các chủ đầu tư về tổng mức đầu tư, lưu lượng xe qua lại, sự hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến giải phóng mặt bằng, chi phí vốn… Tôi nghĩ muốn biết đắt hay rẻ, phải có kết quả quyết toán đã được kiểm toán tại mỗi công trình BOT. Do đó, nói đắt hay rẻ hiện vẫn mang tính cảm tính. Vấn đề quan trọng nhất là cần minh bạch hóa hoạt động đầu tư, thu phí các dự án BOT. Để làm được điều đó, cơ quan kiểm toán cần vào cuộc và công bố công khai thông tin để người dân được biết, tham gia giám sát.

Tôi nghĩ phí chỉ là một câu chuyện tồn tại trong dự án BOT, vì dẫu sao với chúng ta đây là vấn đề khá mới mẻ. 

Theo ông, còn những rắc rối nào phát sinh từ các dự án BOT?

Tôi đã trực tiếp đi khảo sát từ Hà Nội về Thái Bình, qua 4 trạm thu phí hết 140.000 đồng tiền phí trong khi đó chi phí xăng chỉ hết khoảng 130.000 đồng. Ngoài việc phí đường lớn hơn phí nhiên liệu, các trạm thu phí đặt quá gần nhau gây ức chế cho người điều khiển phương tiện và ùn ứ giao thông.

Một số tuyến đường không minh bạch hóa kế hoạch, lộ trình thu phí cũng gây bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, có những đoạn đường phí chồng lên phí (đã đóng phí bảo trì đường bộ nhưng vẫn phải đóng phí đường do các dự án BOT nâng cấp, cải tạo). Tuy không phổ biến trên tất cả các tuyến đường, nhưng điều này cũng gây bức xúc cho người dân. Việc đặt các trạm thu phí không hợp lý, không đúng chỗ mà gần đây nhất là trạm thu phí Xuân Mai (Hòa Bình), trạm thu phí đường tránh TP. Vĩnh Yên nhưng đặt trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài… khiến người đi đường phản đối. 

Làm thế nào để hài hòa lợi ích của chủ đầu tư - Nhà nước - người tham gia giao thông, thưa ông?

Tôi cho rằng Nhà nước đóng vai trò quan trọng, cầm trịch trong việc phát triển các dự án BOT. Mặc dù xã hội hóa nhưng vẫn cần giám sát chặt chẽ quá trình lập khái toán, dự toán đầu tư. Không nên quan niệm đó là tiền của nhà đầu tư và buông lỏng quản lý, mà cần xác định đó là tiền của dân, công trình của dân nên cần giám sát chất lượng thi công. Điều hết sức quan trọng là cần lấy số liệu quyết toán đã được kiểm toán làm cơ sở tính toán mức thu và thời hạn thu phí. Sau đó là giám sát nguồn thu, nếu thấy bất thường thì có điều chỉnh kịp thời. Nếu lưu lượng vận tải thấp hơn tính toán ban đầu thì có giải pháp bù đắp cho nhà đầu tư, trường hợp lưu lượng tăng cao thì rút ngắn thời gian thu phí hoặc giảm mức phí thu. Tôi nghĩ Nhà nước cần có giải pháp chung lưng đấu cật với chủ đầu tư, góp vốn tham gia cùng nhà đầu tư nhằm hạ mức phí thu. Bởi nếu không, khi giá dầu tăng sẽ khiến chi phí vận tải tăng và làm lạm phát tăng theo, tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế.

Ở góc độ các chủ đầu tư, cần công khai các hạng mục, nguồn vốn đầu tư, lộ trình thu phí và cam kết thực hiện đúng những gì đã công khai công bố. Đối với người dân khi đã được công khai, minh bạch thông tin về dự án thì cần ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước và các doanh nghiệp đầu tư dự án BOT.

Tin cùng chuyên mục