Hệ lụy từ hồ sơ mời thầu không chuẩn

(BĐT) - Khi hồ sơ mời thầu (HSMT) không chuẩn, thiếu chuẩn, lệch chuẩn thì khó mà chọn được nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm, tất yếu sẽ ảnh hưởng tới chất lượng thực hiện hợp đồng sau đấu thầu.
Trường hợp chọn nhầm nhà thầu kém chất lượng thì dễ phát sinh nhiều hệ lụy về sau như: tiến độ và chất lượng công trình không đảm bảo, chủ đầu tư lại phải “gánh” những kết quả không mong đợi này... Ảnh: Lê Tiên
Trường hợp chọn nhầm nhà thầu kém chất lượng thì dễ phát sinh nhiều hệ lụy về sau như: tiến độ và chất lượng công trình không đảm bảo, chủ đầu tư lại phải “gánh” những kết quả không mong đợi này... Ảnh: Lê Tiên

Và hơn ai hết, chủ đầu tư/bên mời thầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xây dựng và phê duyệt HSMT cũng như phải “gánh” những hệ lụy không mong muốn xảy ra.

Nguy cơ chọn nhà thầu kém chất lượng

Thực tế đấu thầu thời gian qua cho thấy, có không ít HSMT lập sai, lập không đúng quy định pháp luật về đấu thầu hoặc đưa ra tiêu chí thấp hơn so với hướng dẫn của văn bản pháp luật đã dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu không đủ tiêu chuẩn. Điển hình là tại Gói thầu Thi công hạng mục san nền thuộc Dự án Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu Bến xe - Dân cư Kiến Tường (tỉnh Long An), do HSMT bị lập sai nên Trung tâm Phát triển quỹ đất Long An đã chọn Liên danh Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Tài Phát Đạt - Công ty TNHH Hiệp Lực Tân An trúng thầu mà trên thực tế liên danh nhà thầu này không có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự với gói thầu đang xét.

Theo Điều 74 Luật Đấu thầu thì chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật, người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu sẽ lấy HSMT được duyệt làm cơ sở xét duyệt, đánh giá. HSMT là “đề bài”, nếu “đề bài” không chuẩn thì khó lòng mà chọn được nhà thầu chuẩn, đảm bảo đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện gói thầu. Trường hợp chọn nhầm nhà thầu kém chất lượng, thiếu tiêu chuẩn trúng thầu thì dễ phát sinh nhiều hệ lụy về sau như: tiến độ và chất lượng công trình không đảm bảo, chủ đầu tư lại phải “gánh” những kết quả không mong đợi này... Vì vậy, nếu kịp thời phát hiện HSMT không chuẩn, chủ đầu tư nên tiến hành chỉnh sửa kịp thời, hoàn thiện HSMT trước khi phát hành rộng rãi cho các nhà thầu để tránh những hệ lụy về sau. Còn đối với cấp có thẩm quyền, nếu kịp thời phát hiện HSMT có sai sót thì nên xem xét thấu đáo để có biện pháp xử lý kịp thời trước khi quá muộn.  

Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư

Ở một trường hợp khác, tại một gói thầu sửa chữa, nâng cấp Trường Đại học tỉnh Bạc Liêu, theo nhận định của một số chuyên gia, HSMT đưa ra yêu cầu về điều kiện tiên quyết không thực sự chuẩn. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư/bên mời thầu lại không đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu theo đúng các tiêu chí trong HSMT, dẫn đến việc khiếu kiện của nhà thầu kéo dài. Vì HSMT không chuẩn nên việc trả lời nội dung kiến nghị của chủ đầu tư chẳng khác gì “há miệng mắc quai” nên nhà thầu không “tâm phục khẩu phục”. 

TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, nếu HSMT lập sai được phát hành rộng rãi cho nhà thầu mà không có chỉnh sửa sau đó thì trong quá trình lựa chọn nhà thầu vẫn phải dựa vào HSMT để đánh giá HSDT. Việc xây dựng và phê duyệt HSMT không đúng là do lỗi của chủ đầu tư và bên mời thầu, không phải lỗi của nhà thầu được chọn “nhầm” mà quy tắc của pháp luật là “sai đâu xử đó”. Vì vậy, HSMT không chuẩn thì phải xử lý nghiêm chủ đầu tư và những cá nhân trực tiếp liên quan đến việc xây dựng và phê duyệt HSMT. Trường hợp phải hủy thầu vì HSMT lập sai thì phải bồi thường thiệt hại cho các nhà thầu tham dự. 

Đứng ở góc độ cơ quan thanh tra, ông Trần Kỳ Sơn cho biết, trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện HSMT lập sai, dẫn đến lựa chọn nhà thầu kém chất lượng thực hiện công trình thì cơ quan thanh tra sẽ kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư và buộc bồi thường thiệt hại, xử phạt vi phạm đối với chủ đầu tư. Còn đối với nhà thầu thì sẽ dựa vào các điều khoản của hợp đồng, HSDT để kiểm tra về tiến độ và chất lượng công trình, trường hợp phát hiện nhà thầu làm sai so với hợp đồng và HSDT thì đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.            

Tin cùng chuyên mục