Thầu cung cấp gạo quốc tế: Trúng lớn vẫn còn không ít nỗi lo

(BĐT) - Liên tiếp trong những năm gần đây, đặc biệt là 9 tháng đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo Việt Nam đã tham gia và trúng thầu cung cấp gạo cho nhiều nước trên thế giới như: Philippines, Indonesia, Hàn Quốc…
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Liên tiếp thắng thầu quốc tế cung cấp gạo

Sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã và đang đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ chỗ thiếu ăn, đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới với lượng xuất khẩu trung bình 5 - 6 triệu tấn gạo/năm.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, năm 2017, xuất khẩu gạo đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu đạt 2,63 tỷ USD. Đà tăng trưởng này tiếp tục duy trì trong năm 2018. Tính đến ngày 15/9/2018, xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017 với giá trị thu về là 2,38 tỷ USD.

Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo chất lượng thấp… Cơ hội cho hạt gạo Việt ngày càng rộng mở khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) sắp được ký kết và có hiệu lực.

Với đà tăng trưởng tích cực nêu trên, bên lề Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 - 12/10/2018, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định, cơ hội cho hạt gạo Việt Nam vươn xa là rất lớn. Theo ông Trần Tuấn Anh, liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều DN xuất khẩu gạo của Việt Nam đã thắng thầu cung cấp gạo cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh các đối tác truyền thống như: Indonesia, Philippines…, các DN xuất khẩu gạo Việt đã khẳng định mình tại các thị trường mới với các hợp đồng cung cấp ngày càng lớn.

“Rõ ràng chất lượng hạt gạo Việt Nam đang được nâng lên. Chúng ta đã có được những kinh nghiệm trong canh tác, phát triển lúa gạo cũng như nâng cao chất lượng hạt gạo nên hạt gạo Việt ngày càng khẳng định vị thế và nâng cao năng lực cạnh tranh để thắng thầu”, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định. 

Nhiều thách thức ở phía trước

Tháng 7/2018, Công ty CP Tập đoàn Tân Long - Đồng Tháp đã đánh bật các đối thủ lớn trúng thầu cung cấp 60.000 tấn gạo lứt Japonica (giống gạo xuất xứ từ Nhật Bản) sang thị trường khó tính Hàn Quốc. Trước đó, tháng 5/2018, các DN Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 130.000 tấn gạo cho Philippines, Nhật Bản…
Mặc dù vậy, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thách thức đầu tiên là thương mại gạo vẫn tiềm ẩn biến động khó lường. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu thế phát triển, các nước nhập khẩu gạo sẽ tiếp tục có biện pháp gây khó khăn cho hoạt động thâm nhập thị trường của hạt gạo Việt Nam.

Tiếp đó là với những diễn biến nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sản xuất lúa gạo và thương mại gạo cũng đang phát triển nhanh chóng. Nếu DN Việt Nam không khai thác tốt cơ hội thì chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau trong chuỗi giá trị gạo. Ngoài ra, các sản phẩm gạo mang thương hiệu của Việt Nam vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng ở các nước biết đến. “Các lý do này buộc DN sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải có những biện pháp phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt, nhất là để có thể thắng thầu quốc tế cung cấp gạo, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Long - Đồng Tháp cho rằng, các DN xuất khẩu gạo phải có năng lực tốt. DN phải có nguồn hàng, kho bãi chất lượng; khả năng phân tích thị trường để nắm bắt cơ hội… “Thiếu một trong những yếu tố này, cơ hội thắng thầu sẽ rất ít”, ông Trung nói.

Bộ Công Thương cũng đưa ra 3 nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất là nhóm giải pháp tác động phía cung bằng việc tập trung tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng xuất khẩu gạo… Về nhóm giải pháp tác động phía cầu bao gồm việc đàm phán mở cửa thị trường; đa dạng và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo. Bên cạnh đó là giải pháp về hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục