Đề xuất phạt nặng vi phạm đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo lần 2 Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP (NĐ50) đang được lấy ý kiến góp ý hoàn thiện. Dự thảo đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này phù hợp với tình hình mới.
Dự thảo Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đề xuất nâng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm trong đấu thầu. Ảnh: Phú An
Dự thảo Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đề xuất nâng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm trong đấu thầu. Ảnh: Phú An

Cần thiết ban hành Nghị định mới

Đề cập về sự cần thiết ban hành Nghị định thay thế NĐ50, Bộ KH&ĐT – cơ quan được giao chủ trì dự thảo Nghị định cho biết, NĐ50 được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản và nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các luật có liên quan như: Luật Hợp tác xã năm 2012, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2014... Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT cần được sửa đổi, bổ sung sau khi một số văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua như: Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư năm 2020; Luật DN năm 2020; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)… và các nghị định hướng dẫn đã có hiệu lực thi hành.

Đặc biệt, một số hành vi quy định tại NĐ50 bị coi là vi phạm thì theo các quy định của Luật DN năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 không còn là vi phạm. Đơn cử: Luật DN năm 2020 đã bỏ quy định về thông báo mẫu dấu DN trước khi sử dụng; rút ngắn thời gian thông báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ năm 2021...

Mặt khác, NĐ50 chưa có quy định xử lý trường hợp DN đã ngừng hoạt động nhưng không khai báo, không làm thủ tục giải thể.

Theo Dự thảo Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư được quy định tại Dự thảo bao gồm 10 lĩnh vực, trong đó có 3 lĩnh vực mới được bổ sung là lĩnh vực quy hoạch, lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư và lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Trong lĩnh vực đấu thầu, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất chưa có trong NĐ50. Bên cạnh đó, một số hành vi bị cấm theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật DN chưa được thể hiện cụ thể trong NĐ50.

Do đó, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh cần thiết phải ban hành NĐ thay thế NĐ50. Các quy định của Nghị định này sẽ bổ sung cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KH&ĐT, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Ngành và hài hòa với mục tiêu, yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.

Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm về đầu thầu

Một trong những điểm đáng chú ý là Dự thảo Nghị định đề xuất tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu so với NĐ50.

Cụ thể, theo Dự thảo Nghị định, hành vi vi phạm các quy định về hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) được cơ quan soạn thảo đề nghị tăng tiền phạt nhằm răn đe cao hơn. Theo đó, hành vi không lập HSYC đối với các gói thầu thuộc công trình khẩn cấp, cấp bách; không đăng tải hoặc đăng tải không đầy đủ nội dung thuộc HSMT hoặc đăng tải HSMT không thống nhất với nội dung đã được phê duyệt bị đề nghị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng (mức phạt theo NĐ50 là 5 - 10 triệu đồng).

Các hành vi như không tổ chức thẩm định hồ sơ mời quan tâm (HSMQT), hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST), HSMT, HSYC trước khi phê duyệt; hoặc thẩm định, phê duyệt HSMQT, HSMST, HSMT, HSYC không đúng thẩm quyền… được đề nghị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng thay vì mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng như quy định tại NĐ50.

Về vi phạm trong đăng tải thông tin đấu thầu, Dự thảo Nghị định đề nghị tăng mức xử phạt bằng tiền. Chẳng hạn, theo NĐ50 thì hành vi đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư muộn hơn so với quy định nhưng trước thời điểm thông báo mời thầu, gửi thư mời thầu gói thầu, dự án thực hiện đầu tiên của kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Dự thảo Nghị định đề nghị tăng mức phạt tiền đối với hành vi này từ 2 - 5 triệu đồng…

Dự thảo Nghị định đề xuất phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối hành vi trích dẫn, sao chép, chỉnh sửa, phát hành, truyền tải lại thông tin về đấu thầu và các tài liệu kèm theo thông tin về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia dưới bất kỳ hình thức và phương tiện nào khi chưa được sự cho phép của Tổ chức vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trừ trường hợp thông tin này được công khai là dữ liệu mở theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.

Đại diện Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho rằng, sự điều chỉnh, bổ sung như nêu trên là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&ĐT nói chung, đấu thầu nói riêng. Đồng tình với ý kiến này, một nhà thầu bày tỏ, việc nâng mức xử phạt vi phạm như vậy nhằm tăng sức răn đe, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, công bằng và cạnh trong trong đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục