Định mức dự toán sửa chữa công trình đường thủy nội địa. Ảnh Internet |
Theo đó, Định mức dự toán sửa chữa công trình đường thủy nội địa là định mức kinh tế - kỹ thuật thể hiện mức hao phí về vật liệu, lao động và máy thi công (đối với một số công tác sử dụng máy, thiết bị thi công) để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây lắp sửa chữa, từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc công tác xây lắp bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật và phù hợp với đặc điểm, tính chất riêng biệt của công tác sửa chữa.
Đặc thù của công tác sửa chữa thường có khối lượng xây lắp nhỏ, thi công trong điều kiện khó khăn, phức tạp, xen kẽ nhiều công việc khác nhau, mặt bằng thi công hẹp, thường phân tán, bên cạnh công trình đang sử dụng, vừa sửa chữa vừa sử dụng, phần lớn dùng lao động thủ công, năng suất thấp và sử dụng vật liệu xây dựng không nhiều. Bộ GTVT nhấn mạnh, trong quá trình sửa chữa, không những phải đảm bảo an toàn lao động cho người lao động, còn phải đảm bảo an toàn cho người, phương tiện qua lại, các trang thiết bị đang sử dụng trong công trình đó và các công trình kế cận có liên quan.
Nội dung định mức dự toán sửa chữa công trình đường thủy nội địa gồm: mức hao phí vật liệu, mức hao phí lao động, mức hao phí máy thi công.
Định mức dự toán một số công tác sửa chữa công trình đường thủy nội địa gồm 11 mã hiệu định mức, được áp dụng để lập đơn giá sửa chữa công trình đường thủy nội địa, làm cơ sở xác định dự toán chi phí xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; áp dụng đối với trường hợp công trình sửa chữa chỉ cần yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật...
Theo Bộ GTVT, việc công bố Định mức dự toán một số công tác sửa chữa công trình đường thủy nội địa là nhằm mục đích để cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, vận dụng vào việc lập và quản lý chi phí sửa chữa công trình đường thủy nội địa.