Đội đặc nhiệm nghìn người ám sát lãnh đạo Triều Tiên của Hàn Quốc

Lữ đoàn đặc biệt của Hàn Quốc sẽ thực hiện các phương án xâm nhập tấn công vào lãnh đạo Triều Tiên trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Các thành viên trong lực lượng đặc nhiệm của Hàn Quốc. Ảnh:Yonhap
Các thành viên trong lực lượng đặc nhiệm của Hàn Quốc. Ảnh:Yonhap

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuần trước tuyên bố các binh sĩ đặc nhiệm nước này sẽ lập tức thực hiện chiến dịch "chặt đầu rắn" nhằm ám sát các lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên nếu Seoul bị đe dọa bởi một cuộc tấn công hạt nhân sắp diễn ra, theo Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo xác nhận kế hoạch thành lập đơn vị đặc nhiệm chuyên thực hiện nhiệm vụ này đã được xây dựng chi tiết, giúp họ đẩy nhanh tiến độ thành lập lực lượng ám sát tinh nhuệ ngay trong năm 2017, sớm hơn dự kiến hai năm.

Theo kế hoạch này, quân đội Hàn Quốc sẽ sớm thành lập một lữ đoàn đặc nhiệm có quân số từ 1.000 đến 2.000 người, có nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch tác chiến khẩn cấp nhắm vào lãnh đạo và cơ sở hạ tầng quan trọng của Triều Tiên trong trường hợp có chiến tranh. Về lý thuyết, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong thời chiến, bởi hai nước chỉ mới ký thỏa thuận ngừng bắn chứ chưa có hiệp định hòa bình sau cuộc chiến tranh 1950-1953.

Trong trường hợp lữ đoàn đặc nhiệm Hàn Quốc quyết định thực hiện một chiến dịch ám sát nhắm vào lãnh đạo Triều Tiên, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang đóng quân tại nước này sẽ tham gia vào kế hoạch, theo Yonhap.

"Lữ đoàn đặc nhiệm Hàn Quốc được xây dựng theo mô hình của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Tuy nhiên, đơn vị này sẽ có những đặc thù riêng để phù hợp với môi trường đặc biệt trên bán đảo", một quan chức cấp cao giấu tên trong chính phủ Hàn Quốc cho hay. Quan chức này khẳng định các đặc nhiệm Mỹ - nhiều khả năng là đặc nhiệm SEAL của hải quân - sẽ tham gia vào chiến dịch ám sát lãnh đạo Triều Tiên theo sự chỉ huy của phía Hàn Quốc.

Đặc nhiệm Mỹ chính là những người đề ra khái niệm "chặt đầu rắn" – những cuộc tập kích bất ngờ nhằm tiêu diệt lãnh đạo cấp cao của đối phương, làm rối loạn và tê liệt khả năng chỉ đạo, ra mệnh lệnh trong cấu trúc chỉ huy của địch. Đặc nhiệm Mỹ đã thực hiện nhiều vụ ám sát như vậy trên khắp thế giới, nhắm vào các chỉ huy cấp cao của phiến quân Hồi giáo, trong đó có cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Tuy nhiên trong lữ đoàn đặc nhiệm của Hàn Quốc, các thành viên SEAL chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ thực hiện kế hoạch, bất cứ chiến dịch ám sát nào cũng đều được đặt dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Hàn Quốc.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc Jang Jun-kyu từng đề cập đến phương án sử dụng biện pháp quân sự để làm sụp đổ cấu trúc lãnh đạo của Triều Tiên. "Quân đội Hàn Quốc sẽ có một đơn vị tác chiến đặc biệt có thể sử dụng trực thăng Chinook để xâm nhập vào lãnh thổ Triều Tiên, thực hiện nhiệm vụ được giao và trở về an toàn", ông Jang nói trong một bài phát biểu hồi năm ngoái.

Mục đích tác chiến của lữ đoàn này là loại bỏ hoặc ít nhất là làm tê liệt cấu trúc chỉ huy thời chiến của Triều Tiên, theo Bộ trưởng Han. Kế hoạch này đã được ông Han thông báo với quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn trong buổi báo cáo đầu năm.

"Hàn Quốc đã có ý tưởng và lên kế hoạch sử dụng tên lửa hành trình chính xác để tấn công vào các cơ sở quan trọng của đối phương ở những khu vực lớn cũng như loại bỏ khả năng lãnh đạo của họ", ông Han nói.

"Quyền Tổng thống Hàn Quốc chắc chắn muốn biết về kế hoạch này", Daniel Pinkston, chuyên gia phân tích châu Á tại Đại học Troy, nhận định. "Việc không thông báo kế hoạch với tổng thống, không luyện tập phương án để có khả năng thực hiện các vụ tấn công ‘chặt đầu rắn’ như vậy sẽ là một sai lầm".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các tướng lĩnh quân đội. Ảnh:KCNA

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng những chiến dịch tập kích kiểu "chặt đầu rắn" chưa bao giờ dễ dàng, bởi lực lượng đặc nhiệm sẽ phải biết rất rõ về vị trí của mục tiêu, xâm nhập sâu vào lãnh thổ địch bằng các hình thức bí mật nhất, sau đó rút ra trong thời gian ngắn nhất có thể.

Theo Pinkston, yêu cầu này đòi hỏi tình báo Hàn Quốc phải nắm được những thông tin rất chi tiết về lịch trình hoạt động của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các quan chức quân sự, chính trị cấp cao nhất của nước này. Những thông tin này rất khó thu thập nếu chỉ dựa vào các thiết bị, công nghệ trinh sát từ xa như vệ tinh, máy bay do thám mà không có các điệp viên nằm vùng ở Triều Tiên.

Một chiến dịch "chặt đầu rắn" như vậy bên trong lãnh thổ Triều Tiên cũng có thể là nhiệm vụ tự sát đối với các thành viên đội đặc nhiệm, bởi biên giới Triều Tiên là một trong những khu vực được canh phòng cẩn mật nhất trên thế giới. Trực thăng Chinook của đặc nhiệm Hàn Quốc có thể lợi dụng địa hình để bí mật bay vào, nhưng sẽ rất khó để họ có thể rút về một cách an toàn.

Các chuyên gia quân sự cũng cảnh báo rằng hành động loại bỏ các cấp lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên cũng có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột toàn diện, thậm chí là chiến tranh hạt nhân giữa hai miền Triều Tiên. Ngay cả khi lãnh đạo cao nhất bị ám sát, Triều Tiên nhiều khả năng vẫn có các phương án dự phòng, cho phép các sĩ quan phụ trách các hầm tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân ở khu vực xa xôi khai hỏa vũ khí nhắm vào các mục tiêu ở Hàn Quốc. Nếu khả năng này xảy ra, Hàn Quốc sẽ phải hứng chịu thương vong rất lớn.

Bởi vậy, Pinkston cho rằng kế hoạch thành lập lữ đoàn đặc nhiệm chuyên ám sát lãnh đạo Triều Tiên của quân đội Hàn Quốc là một biện pháp gây sức ép chính trị hơn là một giải pháp quân sự. Kế hoạch này được đưa ra chỉ một tháng sau khi Triều Tiên thực hiện một cuộc diễn tập quân sự, mô phỏng hành động tấn công vào Nhà Xanh, văn phòng của tổng thống Hàn Quốc.

Tin cùng chuyên mục