Ảnh Internet |
Chưa rõ mục tiêu quản lý
Theo Bộ KH&ĐT, Luật Đầu tư năm 2014 cùng với Nghị định 83/2015/NĐ-CP đã thể hiện rõ tinh thần tôn trọng quyền tự do đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư (NĐT) theo hướng Nhà nước chỉ xác nhận các hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài (không phải là cấp phép) của NĐT thông qua việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (thay thế cho Giấy phép đầu tư đã từng được sử dụng và Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đang sử dụng); Nhà nước quy định rõ một số ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài; quy định rõ hơn về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để NĐT lựa chọn ngành nghề đầu tư phù hợp với khả năng của mình.
Những quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 cùng với Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và quản lý hoạt động của dự án, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, là nội dung khá rộng, bao quát toàn bộ hoạt động đầu tư ở nước ngoài (như mục tiêu, quy mô, địa điểm, phạm vi hoạt động, tổng vốn đầu tư…). Quy định như vậy không rõ ràng về mục tiêu quản lý của Nhà nước (tức quản lý nguồn vốn chuyển ra nước ngoài hay toàn bộ hoạt động của dự án).
Trước những bất cập nêu trên, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu sửa đổi quy định với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hướng bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.
Song theo một số chuyên gia, việc bỏ thủ tục Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp với điều kiện quản lý của Việt Nam, gây khó khăn trong cân đối vĩ mô và kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Mặt khác, việc áp dụng chế độ đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài tại cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối được cho rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi cơ quan này không có thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư.
Thay đổi phương thức quản lý nhà nước
Cụ thể, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (đối với dự án sử dụng vốn nhà nước) và người có thẩm quyền của doanh nghiệp theo quy định pháp luật về doanh nghiệp (đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác) quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Cơ quan quản lý ngoại hối chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát nguồn vốn chuyển ra nước ngoài nhằm đảm bảo để nhà đầu tư sử dụng đúng mục đích và tuân thủ quy định của pháp luật về ngoại hối. Ngoài ra, theo chức năng, thẩm quyền, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tham gia quản lý nguồn vốn và tài sản nhà nước chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư.
Thực tiễn cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều chỉ thực hiện chế độ kiểm soát dòng tiền chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư và có chính sách cấm, hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài trong một số trường hợp nhất định để đảm bảo cân đối vĩ mô cũng như tính hợp pháp của nguồn tiền, mà không quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư ở nước ngoài, bởi những hoạt động này được thực hiện tại nước tiếp nhận đầu tư và phải tuân thủ pháp luật của nước đó.
Liên quan cụ thể đến quy định này, Bộ KH&ĐT dự kiến đề xuất Chính phủ sẽ quy định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Như vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng, cơ chế mới không làm mất đi công cụ quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài, mà trái lại góp phần củng cố công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.