Tại các dự án chỉ định thầu, cần phân cấp trách nhiệm, gắn trách nhiệm với người đứng đầu để hạn chế lợi ích nhóm. Ảnh minh họa: Song Lê |
Theo BCNCKT do UBND TP.HCM trình và vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua, Dự án gồm 8 dự án thành phần (DATP), gồm: DATP 1 Xây dựng đường VĐ3 trên địa phận TP.HCM và DATP 2 Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (HTTĐC) VĐ3 trên đia phận TP.HCM; DATP 3 Xây dựng đường VĐ3 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và DATP 4 Bồi thường, HTTĐC VĐ3 trên địa phận tỉnh Đồng Nai; DATP 5 Xây dựng đường VĐ3 trên địa phận tỉnh Bình Dương và DATP 6 Bồi thường, HTTĐC VĐ3 trên địa phận tỉnh Bình Dương; DATP 7 Xây dựng đường VĐ3 trên địa phận tỉnh Long An và DATP 8 Bồi thường, HTTĐC VĐ3 trên địa phận tỉnh Long An.
TP.HCM và 3 địa phương nêu trên đều thống nhất, sẽ nỗ lực hết sức để quý IV/2023 khởi công các gói thầu xây lắp của Dự án.
Theo UBND TP.HCM, công tác giải phóng mặt bằng đang là điểm mấu chốt về tiến độ đối với dự án giao thông, do vậy cơ chế chỉ định thầu với các gói thầu có liên quan như di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường, HTTĐC là đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.
Đơn vị đầu mối trình Dự án cho rằng, áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn nhưng đưa vào “hàng rào kỹ thuật” về yêu cầu trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn. Đơn vị tư vấn nào đáp ứng được sẽ đưa vào danh sách để lựa chọn. Do vậy, chỉ định đơn vị tư vấn sẽ lựa chọn được các đơn vị có năng lực như đấu thầu và rút ngắn thời gian, đảm bảo các yêu cầu về tiến độ.
Đối với các gói thầu xây lắp của DATP được đề xuất chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm, trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu. Đối với các gói thầu xây lắp, UBND các tỉnh, thành phố tùy vào quy mô các DATP để báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu trước khi thực hiện chỉ định.
UBND TP.HCM đề xuất, đối với dự án lớn, khối lượng giải phóng mặt bằng, thi công lớn trải dài qua các địa phương nên việc đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với một số công tác là cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Từ đó, UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu bồi thường, HTTĐC, gói thầu xây lắp để thực hiện Dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn áp dụng cơ chế chỉ định thầu tại Dự án VĐ3 TP.HCM thành công, cần phải ban hành chi tiết, rõ ràng các điều kiện ràng buộc đối với nhà thầu được chỉ định. “Các điều kiện càng chặt chẽ, thậm chí không thể cựa quậy về những yếu tố cốt yếu như: Công nghệ như thế nào, tài chính nhà thầu ra sao, hồ sơ năng lực nhà thầu phải đáp ứng những tiêu chí gì, cơ chế khen thưởng, xử phạt phân minh và đặc biệt là người đứng đầu các cấp quyết định đầu tư có quyết tâm loại bỏ, từ chối những nhà thầu yếu kém hay không”, chuyên gia này cho biết.
Trong khi đó, Chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nguyên tắc đấu thầu rộng rãi đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và là công cụ tốt nhất để lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, biện pháp chỉ định thầu hiện nay được áp dụng trong bối cảnh đặc biệt, bảo đảm mục tiêu lớn là kích cầu đầu tư công, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch mà cả Chính phủ và Quốc hội đều thống nhất lựa chọn. Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra là cần có cơ chế giám sát phù hợp với những dự án chỉ định thầu. Cụ thể là cần tăng cường vai trò, chức năng cũng như tính chuẩn mực, chuyên nghiệp của cơ quan giám sát. Đồng thời, tại các dự án chỉ định thầu, cần đặc biệt coi trọng khâu thẩm định kết quả. Đây chính là khâu “canh cửa” để tránh rủi ro, lọt cửa nhà thầu yếu kém.
Đại diện Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM cho rằng, cơ chế chỉ định thầu cần tiến hành thận trọng để chọn được đơn vị có năng lực. Đồng thời, phân cấp trách nhiệm, gắn trách nhiệm với người đứng đầu để hạn chế lợi ích nhóm, “bùa vẽ” năng lực của nhà thầu.