Dư địa lớn cho thanh toán không dùng tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dư địa phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn rất lớn mở ra cơ hội tăng trưởng cho dịch vụ này. Trong giai đoạn hiện nay, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm khách hàng và tính bảo mật là những yếu tố hấp dẫn người dùng đến với dịch vụ.
Số lượng và giá trị giao dịch qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Ảnh: Nhã Chi
Số lượng và giá trị giao dịch qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Ảnh: Nhã Chi

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, hiện số lượng tài khoản thanh toán tại Việt Nam là hơn 100 triệu tài khoản nhưng tỷ lệ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt không cao. Trong đó, phần nhiều tài khoản được dùng để rút tiền ATM nên dư địa để phát triển còn lớn.

Để thu hút người dùng, trải nghiệm trong thanh toán không tiền mặt rất quan trọng. Theo đó, chất lượng, đa dạng dịch vụ và an toàn là những yếu tố kéo người dùng đến với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Để đạt được những điều này, các doanh nghiệp luôn phải đầu tư nâng cấp công nghệ và chú trọng yếu tố bảo mật. Bên cạnh đó, theo ông Tâm, một hướng giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là hợp tác, chia sẻ giữa các đơn vị tham gia.

“Đây cũng là trăn trở của lĩnh vực thanh toán, làm sao để các ví kết nối với nhau, người tiêu dùng có thể kết nối dịch vụ của nhiều bên, có thể chuyển đổi tiền giữa các ví một cách thuận lợi. Khi Sacombank có cổng kết nối thanh toán, ngân hàng luôn mở rộng kết nối với đối tác khác. Hiện Sacombank có hơn 100 đối tác là các công ty công nghệ tài chính (Fintech), công ty viễn thông…, tạo hệ sinh thái rộng cho khách hàng. Ngay như phân khúc QR code, khách hàng than phiền phải tải quá nhiều mã QR và bối rối khi sử dụng. Vì vậy, nếu có sự hợp tác thì sẽ thuận tiện cho khách hàng hơn”, ông Tâm nói.

Trong các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt, mobile money (tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) đang được kỳ vọng thu hút người dùng chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có ví điện tử với mạng lưới phủ sóng của nhà mạng tới vùng sâu, vùng xa. Từ tháng 3/2021, các doanh nghiệp đã được phép thí điểm triển khai mobile money. Đến nay, Viettel, VNPT và MobiFone đã gửi hồ sơ xin cấp phép thí điểm cung ứng dịch vụ này.

Theo bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, hiện Việt Nam có khoảng 100 triệu thuê bao di động và khoảng 70% dân số sử dụng Internet là yếu tố thuận lợi để triển khai mobile money. Dịch vụ này có thể lấp đầy “khoảng trống” trong cung cấp dịch vụ của các ngân hàng, các công ty Fintech, từ đó tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.

Bà Tú cho biết, MobiFone đang hoàn thiện thủ tục xin giấy phép và đã sẵn sàng tung sản phẩm ra thị trường với định hướng sản phẩm sử dụng thuận tiện, bảo mật an toàn mà vẫn tương thích với trải nghiệm khách hàng.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các trung gian thanh toán đều tích cực thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, số lượng và giá trị giao dịch qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác thúc đẩy quá trình này. Tuy nhiên, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến, tỷ lệ tiền mặt trong nền kinh tế so với tổng phương tiện thanh toán từ tháng 5/2020 - 4/2021 vào khoảng 11,5%.

Theo ông Lực, dư địa phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn rất lớn, song để chiếm lĩnh thị trường này, các trung gian thanh toán cần tăng niềm tin với người tiêu dùng, phát triển hệ sinh thái thuận tiện cho khách hàng, an toàn bảo mật thông tin, giải quyết, xử lý nhanh chóng vướng mắc của khách hàng, có sản phẩm mới tiện lợi, dễ dùng… Đồng thời, Chính phủ cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như hoàn thiện nhanh hơn cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, có cơ chế chia sẻ dữ liệu và bảo mật, phát triển hạ tầng công nghệ số…

Tin cùng chuyên mục