Thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều trở ngại

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Dù đã đạt những bước tiến trong thời gian qua nhưng đà phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) vẫn đang gặp một số trở ngại đáng kể. Hai giải pháp chủ lực được đề xuất để thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và tìm cách thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, song khách hàng còn e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới. Ảnh: Nhã Chi
Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, song khách hàng còn e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới. Ảnh: Nhã Chi

Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đều tăng trưởng, tương ứng 75,2% và 30,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh, tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN, với việc triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp, hoạt động TTKDTM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ TTKDTM được mở rộng, đầu tư và nâng cấp; các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM phát triển mạnh mẽ, đa dạng; các hệ sinh thái thanh toán số được hình thành, cho phép kết nối, tích hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết, những bước phát triển đáng ghi nhận của hoạt động TTKDTM thể hiện rõ nét ở các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế; các hệ sinh thái thanh toán số phát triển mạnh không chỉ mang lại sự thuận tiện trong giao dịch cho khách hàng, mà còn bảo đảm các vấn đề về an ninh, bảo mật.

Tuy nhiên, hoạt động TTKDTM còn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Đó là, sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra những thách thức cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thanh toán điện tử, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hệ thống thanh toán, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới.

Bên cạnh đó, thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt của người dân mặc dù đã giảm nhưng vẫn khá phổ biến. Lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh trong những năm gần đây đáng lẽ phải đi cùng với sự gia tăng của các giao dịch TTKDTM, song thực tế phần lớn khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền. Một bộ phận người sử dụng còn e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh, an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng phục vụ TTKDTM là khá lớn, nên các ngân hàng thương mại cũng cần phải cân nhắc, tính toán để bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Do đó, việc phát triển hạ tầng thanh toán còn một số hạn chế.

Từ những khó khăn trên, ông Dũng đề xuất một số giải pháp, định hướng phát triển TTKDTM trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử. Trên cơ sở đó đáp ứng yêu cầu quản lý đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, thanh toán số, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số và khuyến khích TTKDTM.

Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, các hệ thống thanh toán, phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, thanh toán xuyên biên giới, bảo đảm hoạt động thanh toán trong nền kinh tế an toàn, hiệu quả và thông suốt; triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho rằng, thách thức trước hết của hoạt động TTKDTM hiện nay là quy định pháp lý về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Nhiều đề án của các doanh nghiệp đang phải chờ đợi khung pháp lý thử nghiệm để tránh cảnh mập mờ, hoạt động “ngoài vòng pháp luật”. Ví dụ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending) vẫn chờ đợi NHNN xây dựng văn bản pháp lý liên quan đến sản phẩm này để có cơ chế hoạt động phù hợp quy định. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng cũng là một thách thức đáng kể.

Do đó, theo ông Hưng, để thúc đẩy hơn nữa TTKDTM, NHNN cần thí điểm hoặc thiết lập cơ chế thử nghiệm cho các ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi thanh toán của người dân, các bộ, ngành cần áp dụng một số giải pháp như: thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công tại các cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước, hải quan. Đẩy mạnh TTKDTM khi sử dụng các dịch vụ công cộng như xe buýt, tàu; đối với doanh nghiệp, có cơ chế quy định các chi phí nhân sự, chi phí mua bán hàng hóa phải được chuyển khoản qua ngân hàng thì mới được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp...

Tin cùng chuyên mục