Nhiều nhà thầu đang rất mong chờ sự ra đời của Hệ thống e-Catalog để mở rộng cơ hội tham gia thị trường mua sắm công qua mạng hết sức rộng lớn |
E-Catalog được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các bên mời thầu và nhà thầu triển khai đấu thầu qua mạng tích cực và quyết liệt hơn.
Hỗ trợ trực tiếp cho các bên mời thầu
Trong giai đoạn 2019 - 2025, Hệ thống e-Catalog sẽ được xây dựng và là một trong 11 cấu phần của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể được phát triển và vận hành bởi nhà đầu tư theo mô hình đối tác công tư.
Đại diện Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia khẳng định, một Hệ thống e-Catalog đầy đủ bao gồm 4 modules chính: Quản lý danh mục sản phẩm; Mua sắm theo hợp đồng khung sử dụng trong mua sắm tập trung; Danh mục sản phẩm với giá tham khảo và Quản lý thị trường điện tử (e-Marketplace) đối với các mặt hàng phổ biến, trong ngưỡng giá trị gói thầu nhất định. Các bên mời thầu có thể thực hiện mua sắm trên Hệ thống e-Catalog bằng hình thức chỉ định thầu hoặc chào hàng cạnh tranh. “Hệ thống e-Catalog sẽ giúp bên mời thầu có sự cân nhắc, so sánh giá trước khi mua hàng, vì thế có thể mua được giá tốt nhất với các thao tác dễ sử dụng. Đối tượng tham gia các gian hàng trên e-Catalog sẽ là các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ”, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia chia sẻ.
Từ năm 2016, Bộ KH&ĐT đã tiến hành khảo sát thực trạng công tác đấu thầu, quản lý danh mục sản phẩm hàng hóa mua sắm công. Kết quả khảo sát cho thấy, tại Việt Nam chưa có bộ mã phân loại danh mục hàng hóa, xây lắp, dịch vụ chuẩn trong đấu thầu. Chính phủ không thể thống kê nhu cầu mua sắm hàng năm, so sánh giá trúng thầu theo từng sản phẩm. Bên cạnh đó, các bên mời thầu mất nhiều thời gian khi xây dựng yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm. Các nhà thầu gặp khó khăn khi lựa chọn đúng thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM còn cho biết: “Các cơ sở gặp khó khăn trong việc xác định tên gọi, tính năng của cùng một loại hàng hóa khi gửi yêu cầu mua sắm tập trung”.
Yêu cầu đặt ra để xây dựng chính sách cho Hệ thống e-Catalog là cần thống nhất bộ mã sử dụng để phân loại danh mục sản phẩm trong đấu thầu. Cần cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan khi ban hành, quản lý danh mục sản phẩm và các tiêu chí kỹ thuật cơ bản... Việt Nam sẽ sử dụng bảng mã UNSPSC để phân loại sản phẩm dùng riêng trong đấu thầu. Đây là một bảng mã đang được nhiều nước sử dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nơi định danh cho nhà thầu trong đấu thầu qua mạng
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho biết rất mong chờ sự ra đời của Hệ thống e-Catalog để được tham gia một thị trường điện tử rộng lớn, không biên giới và mang tầm quốc gia.
Đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết, nếu như lộ trình đến 2025, tối thiểu 70% số gói thầu sẽ bắt buộc tiến hành lựa chọn qua mạng, thì nhu cầu định danh của nhà thầu trên e-Catalog nói riêng, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nói chung sẽ là điều hiển nhiên. “Đây sẽ là một kênh thông tin hữu ích, nhiều giá trị tương tác cho tất cả các bên: bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan quản lý, cơ quan giám sát về đấu thầu, công tác hậu kiểm, kiểm toán. Từ phía bên mời thầu, chúng tôi sẽ không còn phải mất nhiều thời gian khi xây dựng yêu cầu kỹ thuật của từng sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi sẽ có những thống kê, so sánh giá trúng thầu của từng sản phẩm tại các đơn vị thành viên”, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM khẳng định.
E-Catalog được các nhà thầu trong lĩnh vực điện kỳ vọng. Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu có tên trong top 100 đơn vị là nhà thầu thực hiện đấu thầu điện tử nhiều nhất thì các nhà thầu đến từ TP.HCM như Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hải Đăng, Công ty TNHH Cơ điện Phương Đông, Công ty CP Thiết bị điện Sài Gòn, Công ty CP Địa ốc - Cáp điện Thịnh Phát… cho biết đều rất mong chờ Hệ thống e-Catalog sớm đi vào vận hành. “Không có kênh quảng bá nào hiệu quả hơn những sản phẩm của mình được Hệ thống lựa chọn, công khai. Những sản phẩm của nhà thầu sẽ được lựa chọn, sử dụng cho từng gói thầu cụ thể. Đã trải qua các bước đánh giá kỹ thuật, giá cạnh tranh để được định danh tại các gói thầu và công khai trên Hệ thống e-Catalog là bước đệm hoàn hảo để mỗi nhà thầu khẳng định vị trí, thương hiệu của mình một cách minh bạch, công khai nhất”, đại diện Công ty CP Thiết bị điện Sài Gòn đánh giá.
Nhiều nhà thầu đang chiếm lĩnh những vị trí tốt nhất trong top 100 đơn vị là nhà thầu thực hiện đấu thầu điện tử nhiều nhất đều bày tỏ hi vọng sẽ được trao cơ hội để các sản phẩm của mình sớm có mặt trên Hệ thống e-Catalog, như một bảo chứng cho những sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao đã được lựa chọn.