Phiên giao dịch ngày 26/4, giá cổ phiếu hãng công nghệ Trung Quốc Tencent sụt 2,5% xuống dưới mức giá trung bình của 200 ngày lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Theo dữ liệu của Bloomberg, tính từ mức đỉnh ngày 23/1, cổ phiếu của công ty có vốn hóa lớn nhất châu Á đã mất hơn 20% giá trị, "bốc hơi" khoảng 118 tỷ USD vốn hóa - con số thậm chí còn lớn hơn vốn hóa của gần 3% công ty lớn nhất châu Âu.
Nhiều tuần qua, giới đầu tư trên toàn cầu có xu hướng bán tháo cổ phiếu của các công ty công nghệ và internet. Trong khi đó, những dấu hiệu ngày càng rõ ràng cho thấy sự chững lại của thị trường smartphone càng đẩy thêm lực bán tháo vào phiên giao dịch ngày 26/4.
Những diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành điều tra công ty Huawei Technologies Co. (Trung Quốc) sau lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho công ty sản xuất trang bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc ZTE trong 7 năm hồi đầu tháng.
Hơn một tháng qua, cổ phiếu Tencent chịu nhiều áp lực khiến giá liên tục sụt giảm. Trước hết là ảnh hưởng của nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ toàn cầu lo sợ về rủi ro siết chặt quản lý do bê bối bảo mật dữ liệu của Facebook.
Tiếp sau đó, cổ phiếu công ty mẹ WeChat tiếp tục chịu áp lực trước nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng lớn. Chưa hết, ngày 22/3, cổ đông lớn nhất của Tencent - Naspers Ltd. tuyên bố bán 9,8 tỷ USD cổ phiếu này - tương đương 2% cổ phần.
Những áp lực mà Tencent đang phải đối mặt cũng được cho là có ảnh hưởng bởi chính sách tăng cường giám sát các công ty Internet của chính phủ Trung Quốc.
Niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, Tencent là một trong những cổ phiếu được cả giới đầu tư lẫn giới phân tích yêu thích. Cổ phiếu này cũng chưa từng nhận xếp hạng "nên bán" của giới phân tích trong hơn 2 năm qua.
Tuy vậy, theo giới phân tích, mặc dù cổ phiếu Tencent đã xuống dưới ngưỡng giá trung bình 200 ngày, đây chưa phải dấu hiệu nguy hiểm. Năm ngoái, sau lần chạm ngưỡng đó gần đây nhất, giá cổ phiếu này đã tăng gấp đôi.