Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên |
Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, các chủ đầu tư đã thông báo công khai 58 quyết định xử phạt đối với nhà thầu vi phạm. Trong đó, có 11 nhà thầu bị cấp có thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm đối với các gói thầu, dự án do mình quản lý vì cung cấp thông tin không trung thực.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, có 3 nhà thầu gian lận bị xử phạt gồm: Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thắng (bị UBND huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp xử phạt ngày 15/1/2021); Công ty CP Đầu tư xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thành Đoàn (bị UBND huyện Thường Tín, Hà Nội xử phạt ngày 1/2/2021); Công ty TNHH Xây dựng Đạt Tiến (bị UBND tỉnh Vĩnh Phúc xử phạt ngày 9/2/2021).
Tháng 4/2021, có 2 nhà thầu gian lận bị xử phạt gồm: Công ty CP MCO Tư vấn và Xây dựng (UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt); Công ty CP Công nghệ và Dịch vụ Đức Việt (Bệnh viện Bạch Mai xử phạt).
Ngày 22/6/2021, Công ty CP Poliland bị Viện Khoa học và Công nghệ quân sự xử phạt vì hành vi gian lận trong đấu thầu.
Ngày 29/6/2021, UBND huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định xử lý vi phạm trong đấu thầu đối với 3 nhà thầu gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Vạn Hào; Công ty TNHH MTV Thân Thành Thuận; Công ty TNHH MTV Khiêm Trí.
Tháng 7/2021, Công ty TNHH Thành Mai bị Công ty Điện lực Bắc Giang xử phạt; Công ty TNHH Xây dựng Thịnh Phong bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn xử phạt.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện một chủ đầu tư ở Hà Nội cho biết, trong quá trình tra soát, làm rõ năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu, đã phát hiện không ít nhà thầu gian lận, chỉnh sửa hồ sơ dự thầu “cho đẹp” để dự thầu. Tuy nhiên, nếu nhà thầu không trúng thầu thì chủ đầu tư nương nhẹ, không truy cứu thêm, ít khi đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cấm thầu. Nếu xử lý nghiêm khắc thì nhà thầu không chỉ bị cấm thầu 3 - 5 năm, mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ví dụ như tội làm giả con dấu, làm giả giấy tờ, tài liệu của các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng…).
Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian gần đây, nhiều vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu đã bị khởi tố. Các hành vi sai trái trong đấu thầu dần được đưa ra ánh sáng, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật về đấu thầu được siết chặt, có những hành vi gian lận diễn ra cách đây nhiều năm vẫn bị xử lý. Đây sẽ là áp lực buộc các chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền không nương nhẹ trong xử lý với hành vi vi phạm về đấu thầu của nhà thầu như trước. Bởi nếu nể nang, không xử lý thì chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm về quá trình tổ chức đấu thầu.
Theo quy định, hồ sơ dự thầu có thể được lưu giữ tới 10 năm sau khi kết thúc việc lựa chọn nhà thầu. Vì thế, hành vi gian lận, không trung thực trong việc kê khai năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu (nếu có) vẫn được lưu giữ nhiều năm ở các chủ đầu tư/bên mời thầu và có thể bị truy cứu trách nhiệm.