Giá dầu lên đỉnh gần 1 tháng khi ông Trump siết trừng phạt Iran

Giá dầu tại thị trường Mỹ tăng sau khi Tổng thống Donald Trump công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran...
Một giếng dầu ở Gunthrie, Oklahoma, Mỹ - Ảnh: Reuters/CNBC.
Một giếng dầu ở Gunthrie, Oklahoma, Mỹ - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu tại thị trường Mỹ tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran. Tuy nhiên, giá dầu tại thị trường London giảm do mối lo thừa cung.

Theo tin từ trang MarketWatch, ông Trump đã ký một sắc lệnh điều hành áp trừng phạt tài chính lên các nhà lãnh đạo Iran, trong đó có lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng điều ông Trump muốn không hẳn là một cuộc xung đột quân sự với Iran. "Chúng tôi không nhận thấy một thông điệp rõ ràng từ Nhà Trắng, nhưng ông Trump có vẻ không muốn chiến tranh", nhà phân tích Edwar Moya thuộc Oanda nhận xét.

"Ông Trump không muốn chiến tranh vì sắp tới bầu cử Tổng thống Mỹ, và ông ấy có thể muốn ký một thỏa thuận với Iran, rồi dùng thỏa thuận đó để làm một lợi thế khi vận động tranh cử".

Nếu xảy ra xung đột quân sự Mỹ-Iran, thì nguồn cung dầu lửa từ Trung Đông - nơi được coi là "vựa dầu" của thế giới - có thể gián đoạn. Tuần trước, giá dầu WTI giao sau tại New York đã tăng khoảng 9% vì nguy cơ này, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất 2 năm rưỡi.

Trong phiên đầu tuần, giá dầu WTI giao tháng 8 tăng 0,47 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 57,9 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 29/5 của dầu WTI giao tháng kế tiếp.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 8 chốt phiên với mức giảm 0,34 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 64,86 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu Brent tăng hơn 5%, chốt tuần ở mức cao nhất kể từ ngày 30/5.

Nhận xét về các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran, nhà phân tích cấp cao Robbie Fraser thuộc Schneider Electric nói: "Lệnh trừng phạt mới có khả năng chỉ gây ảnh hưởng giới hạn, nhất là đối với ngành dầu lửa, bởi các biện pháp trừng phạt trước đó của Mỹ về cơ bản đã chặn dòng dầu của Iran ra thị trường toàn cầu. Nếu tình hình tiếp tục căng thẳng, thì eo biển Hormuz là nơi cần theo dõi, bởi Iran có khả năng tạm thời, chứ không phải là vĩnh viễn, gây gián đoạn nguồn cung dầu đi qua eo biển này".

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục là một nguyên nhân khiến giới đầu tư lo rằng triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ chững lại.

Cuộc gặp sắp diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dự báo có thể dẫn tới một bước ngoặt quan trọng cho xung đột thương mại giữa hai nước. Cuộc gặp này sẽ diễn ra bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào ngày 28-29/6.

Ngoài ra, giới đầu tư còn đang chờ cuộc họp về sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, hay còn gọi là nhóm OPEC+, tại Vienna, Áo, vào ngày 1-2/7.

Tâm lý thận trọng của thị trường trước thềm hai cuộc gặp nói trên khiến giá dầu biến động chậm lại.

Tuy nhiên, theo ông Moya, trong thời gian còn lại của mùa hè năm nay, giá dầu sẽ được hỗ trợ bởi những yếu tố như căng thẳng ở vùng Vịnh và mùa bão ở Mỹ gây gián đoạn hoạt động khai thác dầu trên Vịnh Mexico.

Tin cùng chuyên mục