Giá dầu sụt 4% vì tình hình dịch Covid 19 ở châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Cú giảm này diễn ra ngay cả khi kênh đào Suez - một tuyến huyết mạch của vận tải biển quốc tế - vẫn tắc nghẽn...
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (25/3), khi làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu làm dấy lên nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Cú giảm này diễn ra ngay cả khi kênh đào Suez - một tuyến huyết mạch của vận tải biển quốc tế - chưa thể được giải phóng khỏi tình trạng tắc nghẽn.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 3,8%, còn 61,95 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York sụt 4,3%, còn 58,26 USD/thùng.

Trước phiên giảm này, giá của cả hai loại dầu cùng tăng khoảng 6% trong phiên ngày thứ Tư, khi nhà đầu tư lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu do một con tàu container khổng lồ bị mắc kẹt ở Suez khiến các tàu bè khác không thể đi qua. Cơ quan quản lý kênh Suez ngày 25/3 cho biết đã tạm thời đình chỉ giao thông trên con kênh trong lúc 8 tàu kéo làm việc để giải phóng con tàu mắc kẹt.

"Chúng tôi tin rằng sự việc này chỉ gây xôn xao trên thị trường thôi, chứ không có ảnh hưởng quan trọng kéo dài nào", nhà phân tích Norbert Rucker thuộc Julius Baer Bank phát biểu.

Theo trang CNBC, Phó chủ tịch Ann-Louise Hittl của Wood Mackenzie cho rằng một vài ngày gián đoạn dòng vận chuyển dầu và các sản phẩm lọc hóa qua kênh Suez tới châu Âu và Mỹ sẽ không có ảnh hưởng kéo dài đến giá dầu ở những thị trường này.

Ngoài ra, ảnh hưởng của sự tắc nghẽn ở kênh Suez đối với giá dầu còn hạn chế bởi đích đến của hầu hết tàu chở dầu đi qua con kênh này là châu Âu, mà nhu cầu dầu ở châu Âu đang suy yếu do nhiều quốc gia trong khu vực phải áp lệnh phong tỏa trở lại để ứng phó với làn sóng Covid thứ ba.

"Nếu châu Âu ở vào một vị thế tốt hơn trong cuộc chiến chống Covid, thì sự gián đoạn ở Suez có lẽ đã gây ra một vấn đề lớn hơn. Nhưng thực tế lại không phải vậy. Đó là lý do vì sao giá dầu ngày hôm nay nhanh chóng điều chỉnh một phần thành quả tăng của phiên trước", nhà phân tích Bjornar Tonhaugen thuộc Rystad Energy nhận định.

Giám đốc kỹ thuật của con tàu mắc cạn ở kênh Suez cho biết việc giải phóng con tàu có thể sẽ kéo dài vài tuần.

Trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu, giới phân tích cho rằng rất có thể nhóm OPEC+ sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu sang tháng 5. Cuộc họp của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, sẽ diễn ra vào ngày 1/4.

"Giá dầu khó lấy lại được đà tăng cho tới khi OPEC+ nhóm họp vào dầu tháng 4. Có thể OPEC+ sẽ giữ nguyên mức hạn chế sản lượng", nhà phân tích Jeffrey Halley thuộc Oanda nhận xét.

Thị trường dầu còn đang chịu áp lực giảm giá do các công ty dầu lửa gặp khó khăn trong việc bán dầu cho khách châu Á, nhất là khách Trung Quốc. Khách châu Á hiện nay thích mua dầu giá rẻ hơn từ các kho chứa, và việc bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu cũng làm suy giảm nhu cầu - nguồn thạo tin cho hay.

Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực giảm giá dầu. Phiên ngày thứ Năm, đồng USD đạt mức cao nhất 4 tháng so với Euro, do Mỹ tiếp tục đi trước châu Âu về công tác chống dịch và phục hồi kinh tế.

Tin cùng chuyên mục