Trong 3 phiên vừa qua, giá dầu Brent tăng 9%, giá dầu WTI tăng 6% - Ảnh: Getty/CNBC. |
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp diễn ra giúp giảm bớt những mối lo về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào do dữ liệu cho thấy lượng tồn kho các sản phẩm lọc hóa của Mỹ tăng mạnh.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent tại thị trường London tăng 1,11 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 57,06 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,87 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, đạt 47,96 USD/thùng.
Sau khi giảm mạnh trong năm 2018, giá dầu đã tăng liên tiếp trong 3 phiên đầu tiên của năm 2019, với tổng mức tăng 9% đối với dầu Brent và 6% đối với dầu WTI.
Đà tăng của giá dầu bị cản lại trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo hàng tuần cho thấy tồn kho xăng của nước này tăng 6,9 triệu thùng trong tuần trước, trong khi tồn kho các sản phẩm chưng cất tăng 9,5 triệu thùng, do các nhà máy lọc dầu nâng công suất hoạt động lên 97,2% so với công suất thiết kế. Tồn kho dầu thô của Mỹ hầu như không thay đổi trong tuần.
"Việc tồn kho các sản phẩm từ dầu thô tăng mạnh thực sự đã khiến thị trường ngạc nhiên", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét. "Số liệu về tồn kho xăng gây thất vọng vì nhu cầu tiêu thụ xăng đang thấp mà nguồn cung lại tăng mạnh đến vậy".
Tuy nhiên, các công ty khai thác dầu lửa ở Mỹ đã giảm số giàn khoan dầu hoạt động lần đầu tiên trong 3 tuần, cho thấy kế hoạch khai thác dầu được thu hẹp lại sau khi giá dầu giảm sâu vào cuối năm ngoái. Dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 4/1, các công ty khai thác dầu ở Mỹ giảm 8 giàn khoan, đưa số giàn khoan hoạt động xuống còn 877 giàn.
Chất xúc tác quan trọng cho giá dầu phiên này là việc Trung Quốc tuyên bố rằng một đoàn quan chức Mỹ sẽ tới Bắc Kinh để đàm phán thương mại vào ngày 7-8/1. Thông tin này giúp cải thiện tâm trạng của nhà đầu tư toàn cầu đối với các tài sản rủi ro, bao gồm cổ phiếu và dầu.
Ngoài ra, giá dầu còn được đẩy lên bởi báo cáo việc làm khả quan của Mỹ.
Bộ Lao động Mỹ ngày 4/1 cho biết nước này có thêm 312.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 12, vượt xa kỳ vọng của thị trường. Tiền lương và số người tìm kiếm việc làm cũng tăng, một dấu hiệu cho thấy sức tăng trưởng của nền kinh tế được duy trì.
Bên cạnh đó, giá dầu được hỗ trợ bởi việc Tổ chức Các nước xuất khẩu lửa (OPEC) và đối tác, gồm Nga, bắt đầu thực thi kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ ngày 1/1. Theo một cuộc khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của OPEC đã giảm 460.000 thùng/ngày trong tháng 12.
Theo kế hoạch trên, OPEC sẽ giảm sản lượng 800.000 thùng ngày, và số 400.000 thùng còn lại sẽ do Nga và các đối tác còn lại cắt giảm. Tâm điểm chú ý của thị trường thời gian tới sẽ là liệu thỏa thuận trên có được thực thi đầy đủ hay không.