Với khối lượng lớn bất thường được giao dịch vào đầu ngày 2/1, giá dầu tương lai ở London, New York đã tăng hơn 4%, là mức tăng cao nhất kể từ các cuộc tấn công vào hãng sản xuất dầu Ả rập Saudi hồi tháng 9.
Giá dầu biến động sau khi Mỹ thực hiện cuộc không kích theo mệnh lệnh của Tổng thống Donald Trump nhằm vào đoàn xe của Qassem Soleimani – vị tướng thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Mỹ cáo buộc tướng Soleimani đã tích cực tham gia vào việc lên kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ ở Iraq cũng như khắp khu vực.
Trước đây, Mỹ vẫn thường đáp trả các động thái của Iran bằng cách không kích vào các mục tiêu dân quân do Tehran hậu thuẫn. Cuộc không kích lần này không ảnh hưởng đến xưởng sản xuất dầu nào của Iran. Tuy nhiên, việc giết chết lãnh tướng của Iran là một đòn giáng mạnh chưa từng có, khiến căng thẳng Trung Đông có thể leo thang.
Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei, tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ sau cái chết của vị tướng quân sự nước này. Vụ việc như "giọt nước tràn ly" đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột trực diện, có thể đe doạ nguồn cung dầu thô trên toàn thế giới.
Cú sốc giá dầu sau cuộc tấn công vào hồi tháng 9 cho thấy các sự kiện chính trị bất ngờ ở Trung Đông có thể làm rung chuyển thị trường năng lượng. Hợp đồng dầu thô tương lai của Mỹ cũng đã tăng lên 3% lên 63,01 USD một thùng vào chiều nay.
Mặc dù Mỹ là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, giới kinh doanh nhiên liệu đều lo lắng tác động "gợn sóng" của cuộc xung đột Mỹ - Iran. Ả Rập Saudi vẫn là nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới và sự đa dạng của nhu cầu khắp thế giới có thể khiến việc thay thế nguồn cung trở nên khó khăn hơn dự đoán.
Nếu căng thẳng giữa Mỹ - Iran tiếp tục leo thang, một số doanh nhân cảnh báo dầu thô có thể tăng đột biến với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm cả Nga.