Giới đầu tư toàn cầu “nín thở” đợi hội nghị Jackson Hole của Fed

0:00 / 0:00
0:00
Cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng như thế nào là một vấn đề lớn đối với Fed tại hội nghị diễn ra vào ngày thứ Sáu tuần này...
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chi 120 tỷ USD mỗi tháng để mua vào trái phiếu. Đây là một trong hai mũi nhọn chính sách tiền tệ, bên cạnh lãi suất 0-0,25%, nhằm vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới từ đại dịch Covid-19.

Nhưng khi các hoạt động kinh tế đã trở lại mức tương đối bình thường, liệu sự hỗ trợ như vậy có còn cần thiết?

Đó là một câu hỏi lớn mà các quan chức Fed phải đối mặt tại kỳ hội nghị thường niên ở Jackson Hole, Wyoming vào ngày thứ Sáu (27/8).

"BIẾN SỐ" MANG TÊN DELTA

Do đại dịch Covid-19 đang leo thang trở lại ở Mỹ, sự kiện này sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp như kế hoạch ban đầu. Những vị khách mời quan trọng như Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hay Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andrew Bailey cũng sẽ không tham dự.

Điều này khiến mọi sự chú ý dồn thẳng vào Fed, nhất là sau khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed cho thấy ngân hàng trung ương này có thể bắt đầu việc cắt giảm chương trình mua tài sản trước khi kết thúc năm 2021.

Với tốc độ như hiện nay, Fed sẽ mua 480 tỷ USD tài sản trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12. Tuy nhiên, có một cuộc tranh luận đang ngày càng “nóng” là liệu việc bơm tiền như vậy có còn thực sự cần thiết?

“Hiện nay, rất khó để lập luận rằng Fed cần duy trì sự hỗ trợ khẩn cấp này”, chuyên gia kinh tế cấp cao Andrew Hunter thuộc Capital Economics nói với trang CNN Business.

Doanh thu bán lẻ ở Mỹ hiện đã cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch, số việc làm mới trong tháng 7 là 934.000 công việc - vượt xa dự báo. Từ nay đến cuối năm, hàng chục triệu hộ gia đình Mỹ sẽ nhận được tiền hỗ trợ hàng tháng từ chính sách tăng cường tín thuế trẻ em thuộc gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.

Theo CNN Business, phần lớn các chuyên gia kinh tế tin rằng Fed sẽ không đưa ra động thái nào liên quan đến chương trình mua trái phiếu tại Jackson Hole. Dù vậy, bài phát biểu vào ngày thứ Sáu của Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể phát đi một số tín hiệu về chủ trương của Fed đối với chương trình này trong thời gian tới. Việc chính thức công bố kế hoạch cắt giảm có thể được đưa ra trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Fed, và việc cắt giảm sẽ bắt đầu trước khi bước sang năm 2022.

Tuy nhiên, làn sóng Covid do biến chủng Delta đang hoành hành ở Mỹ vẫn là một “biến số” khó lường đối với bất kỳ một kế hoạch nào của Fed.

Tuần vừa rồi, các tổ chức dự báo bắt đầu hạ triển vọng kinh tế Mỹ do làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở nước này. Mức cắt giảm nhìn chung không lớn, nhưng là một sự thay đổi quan điểm của các chuyên gia kinh tế từ sự lạc quan trong nửa đầu năm nay.

“Ảnh hưởng của biến chủng Delta đối với tăng trưởng và lạm phát đang cho thấy có phần mạnh hơn so với những gì chúng tôi dự kiến trước đây”, một báo cáo của Goldman Sachs nhận định. Ngân hàng này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ 2021 về 6% từ 6,4% trước đó.

Trong một phát biểu vào tuần trước, ông Powell cho rằng biến chủng Delta hiện chưa làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế Mỹ, rằng các doanh nghiệp và hộ gia đình ở nước này đã học được cách sống chung với virus. Tuy nhiên, với bình quân khoảng 150.000 ca nhiễm mới và khoảng 1.000 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày ở Mỹ trong những ngày gần đây, giới phân tích cho rằng ông Powell và Fed không thể duy trì quan điểm này.

“Chắc chắn sẽ có một thách thức về thông tin đối với ông Powell, nếu trong bài phát biểu tới, vị Chủ tịch Fed muốn giữ nguyên quan điểm cho rằng làn sóng bệnh dịch đang diễn ra có ảnh hưởng không đáng kể đến kinh tế Mỹ”, giáo sư Steven Kelly thuộc Trường Quản lý Đại học Yale nhận định.

LIỆU THỊ TRƯỜNG CÓ RƠI VÀO HOẢNG LOẠN?

Trong một dòng tweet trên mạng xã hội Twitter, chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk của Grant Thornton viết: “Tôi cho rằng những phát biểu của ông Powell sẽ có thay đổi một chút về triển vọng kinh tế”.

Trong lịch sử Fed, ngân hàng trung ương này đến nay mới hai lần triển khai chương trình mua tài sản quy mô lớn, một lần sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và một lần khi xảy ra đại dịch Covid-19. Bởi vậy, không có nhiều tiền lệ để đoán trước phản ứng của thị trường tài chính và nền kinh tế thực khi Fed cắt giảm sự hỗ trợ này.

Một số chuyên gia lo ngại rằng thị trường tài chính có thể rơi vào trạng thái hoảng loạn. Hồi năm 2013, khi Fed tuyên bố cắt giảm chương trình mua tài sản, một cuộc bán tháo đã xảy ra trên thị trường trái phiếu.

“Luôn có khả năng xảy ra sự biến động trong ngắn hạn”, ông Randall Kroszner, một Thống đốc Fed trong thời gian từ 2006-2009, nhận định.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế Mỹ lần này có vẻ khác so với sau khủng hoảng tài chính, theo chiến lược gia cấp cao Michael Skordeles của Truist Advisory Services. “Nhìn vào nhiều ngành kinh tế khác nhau, mọi thứ đều đang rất mạnh. Hồi năm 2013, mọi chuyện không như thế này”, ông nói.

Còn theo ông Kroszner, ngay cả vào năm 2013, cú sốc ngắn hạn đối với thị trường sau khi Fed tuyên bố cắt giảm chương trình mua tài sản cũng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế thực. Lãi suất khi đó có tăng nhẹ nhưng vẫn ở gần mức thấp kỷ lục.

Hy vọng vào lúc này là bằng cách cắt giảm chương trình mua tài sản ngay từ năm nay, Fed có thể cắt giảm từ từ và không gây ra quá nhiều biến động. “Bắt đầu sớm sẽ cho phép họ cắt giảm một cách chậm rãi hơn”, ông Skordeles nói.

Tin cùng chuyên mục