Nhiều gói thầu cung ứng thuốc bán lẻ trong nhà thuốc của bệnh viện có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang |
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu năm 2023, hoạt động lựa chọn nhà thầu (LCNT) sử dụng nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện dự toán mua sắm, mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu. Do đó, việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của bệnh viện để mua thuốc, vật tư y tế, mỹ phẩm, sữa… bán lẻ trong nhà thuốc của bệnh viện phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nhiều bệnh viện đã và đang tổ chức đấu thầu rộng rãi LCNT cung ứng thuốc bán lẻ trong nhà thuốc của bệnh viện, trong đó có những gói thầu lên tới vài trăm tỷ đồng. Đơn cử, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang đánh giá hồ sơ dự thầu Gói thầu 01 Gói thầu thuốc generic (172 danh mục) thuộc Dự toán Cung cấp thuốc generic cho hệ thống nhà thuốc của Bệnh viện với giá dự toán 242,533 tỷ đồng. Gói thầu thu hút 98 nhà thầu tham dự, trong đó, một số phần/lô có tới 4 nhà thầu cạnh tranh.
Tương tự, ngày 29/7/2024, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phê duyệt kế hoạch LCNT 2 gói thầu thuộc Dự toán Cung cấp thuốc tại nhà thuốc năm 2024 lần 1 với tổng dự toán lên tới trên 1.162 tỷ đồng. Bệnh viện đang đánh giá hơn 200 hồ sơ dự thầu.
Ngày 18/9/2024, Bệnh viện Bạch Mai dự kiến mở Gói thầu Cung cấp thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương cho hệ thống nhà thuốc Bệnh viện năm 2024 - 2025 với giá hơn 401,022 tỷ đồng.
Ngày 27/9/2024, Bệnh viện Từ Dũ sẽ mở thầu 2 gói thầu mua thuốc thuộc Dự toán Mua sắm lần 1 trong kế hoạch mua sắm hàng hóa của nhà thuốc Bệnh viện năm 2024 - 2025 với tổng dự toán 291,978 tỷ đồng…
Tại cuộc họp rà soát khó khăn, vướng mắc trong thực thi Luật Đấu thầu 2023 lĩnh vực y tế cuối tháng 8/2024, một số ý kiến cho rằng, các gói thầu mua thuốc bán lẻ trong nhà thuốc bệnh viện áp dụng đấu thầu rộng rãi thường là những gói thầu có quy mô lớn. Để hoàn thành LCNT, các đơn vị thường phải mất từ 150 - 180 ngày (tương ứng 5 - 6 tháng), chưa tính đến mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu hoặc mặt hàng không có nhà thầu tham dự. Nếu chờ đợi đến khi có kết quả LCNT thì không thể đáp ứng được nhu cầu liên tục của người bệnh, người dân. Các bệnh viện có thể áp dụng hình thức MSTT để mua thuốc cho nhà thuốc bệnh viện, nhưng chỉ được tối đa 1 lần (theo quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu năm 2023), trong khi thực tế phát sinh nhiều nhu cầu ngoài dự trù.
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu, có ý kiến đề xuất bổ sung quy định cho phép các bệnh viện được áp dụng hình thức MSTT nhiều hơn 1 lần. Giải pháp này có thể tháo gỡ khó khăn và tăng tính chủ động cho các bệnh viện, phù hợp với bối cảnh nhiều bệnh viện công lập được giao tự chủ tài chính.
Ông Lê Đình Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định, chủ đầu tư được MSTT nhiều lần sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của người bệnh, người nhà bệnh nhân một cách kịp thời. Khi áp dụng MSTT nhiều lần, bệnh viện sẽ mua được đa dạng các loại mặt hàng với các chủng loại và mức giá khác nhau, tiến độ cung cấp hàng hóa cũng nhanh hơn, giảm thiểu các thủ tục để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của bệnh nhân.
Thực tế, theo ông Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, doanh thu trung bình của hệ thống nhà thuốc Bệnh viện là 30 - 40 tỷ đồng/tháng, cho thấy nhu cầu rất lớn của bệnh nhân. “Việc được áp dụng MSTT nhiều lần sẽ giúp Bệnh viện chủ động, linh hoạt trong việc mua sắm đa dạng các mặt hàng thuốc, vật tư y tế, hóa - mỹ phẩm, đáp ứng tốt hơn, kịp thời hơn nhu cầu và hoàn cảnh kinh tế của từng người bệnh”, ông Điển nhận định.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các bệnh viện không nên lạm dụng MSTT nhiều lần, nhất là với mặt hàng thuốc. Điều quan trọng nhất là bệnh viện phải xây dựng kế hoạch mua sắm sát với nhu cầu, nếu có phát sinh ngoài kế hoạch thì MSTT, nhưng cũng chỉ với số lượng ít.
Để tránh tình trạng lạm dụng MSTT, ông Điển khuyến nghị, cơ quan chức năng nên phân nhóm, phân loại và có hướng dẫn cụ thể nhóm mặt hàng nào cần phải đấu thầu rộng rãi, nhóm nào được MSTT nhiều lần, hạn mức của việc MSTT và số lần tối đa được MSTT trong năm. Có như vậy, công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện mới đảm bảo minh bạch, dễ thực hiện và giải trình được với các cơ quan chức năng khi cần thiết.