Nhiều nhà đầu tư đã hoàn thành xây dựng công trình BT, nhưng vẫn chưa được bố trí quỹ đất thanh toán. Ảnh: Lê Tiên |
Từ 1/1/2021, hợp đồng BT đã dừng triển khai đầu tư mới theo quy định của Luật PPP, nhưng trước đó, đây là một loại hình hợp đồng mà pháp luật Việt Nam cho phép. Theo nhiều địa phương, việc triển khai dự án BT - thường có tổng mức đầu tư lớn, ngân sách địa phương khó có thể bố trí nguồn vốn thực hiện, đã phát huy nguồn lực đất đai, góp phần quan trọng tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, cũng như nhiều loại hình đầu tư liên quan đến đất khác, cũng có những dự án BT có tiêu cực, thất thoát đất đai. Thực hiện Nghị quyết 160/NQ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ, nhiều địa phương đã rà soát lại thủ tục đầu tư các dự án, sai đâu kiến nghị sửa đó. Tuy nhiên, cho đến nay, theo phản ánh của một số địa phương, việc thanh toán cho dự án BT đã ký kết hợp đồng vẫn còn vướng mắc trong giao đất, thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư theo quy định tại NĐ 69 có hiệu lực từ 1/10/2019. Nhiều nhà đầu tư “kêu trời” vì dù đã dồn vốn, vay vốn hoàn thành công trình BT, nhưng sau nhiều năm vẫn chưa được thanh toán, gánh nợ đè nặng, nguy cơ phá sản hiện hữu.
Theo nhiều địa phương và phân tích của một số chuyên gia, vướng mắc chủ yếu là ở quy định về chuyển tiếp tại Điều 17 NĐ 69. Cụ thể, Điều 17 NĐ 69 tuy đã quy định dự án BT ký kết hợp đồng trước 1/1/2018 thì thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, nhưng đồng thời lại quy định thêm: “Trường hợp các nội dung liên quan đến việc thanh toán chưa được quy định rõ trong hợp đồng BT thì áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và pháp luật có liên quan có hiệu lực tại thời điểm thanh toán”. Nhiều ý kiến cho rằng cụm từ “chưa được quy định rõ” gây lúng túng trong thực hiện, xác định thế nào là rõ hay chưa rõ, có thể phát sinh tâm lý e dè, chần chừ trong thực hiện. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trên thực tế nếu nội dung này không được làm rõ thì các cơ quan hậu kiểm luôn kết luận là quy định tại hợp đồng BT chưa rõ và không đủ điều kiện chuyển tiếp. Đồng thời, việc thực hiện thanh toán căn cứ “pháp luật có liên quan có hiệu lực tại thời điểm thanh toán” là khó khả thi do quy định từ thời điểm các hợp đồng được ký kết đến thời điểm thanh toán đã được điều chỉnh rất nhiều lần.
NĐ 35 sửa đổi, bổ sung Điều 17 NĐ 69 theo hướng quy định cụ thể: “Trường hợp các nội dung liên quan đến việc thanh toán chưa được quy định rõ về vị trí, mục đích sử dụng của quỹ đất dự kiến thanh toán trong hợp đồng BT thì áp dụng các quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và pháp luật có liên quan”.
NĐ 35 cũng nêu rõ, xác định giá trị dự án BT phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan. Việc sử dụng quỹ đất, trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai…
Bên cạnh đó, NĐ 35 hướng dẫn thêm về chuyển tiếp đối với các dự án đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định của Luật PPP. Theo Bộ KH&ĐT, NĐ 69 chỉ quy định chuyển tiếp cho các dự án BT đã có hợp đồng được ký kết. Trong khi đó, Luật PPP cho phép các dự án BT đã phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) được tiếp tục thực hiện căn cứ HSMT, HSYC và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành HSMT, HSYC. Do vậy, để các dự án này đủ cơ sở thực hiện việc thanh toán, NĐ 35 quy định chuyển tiếp: dự án áp dụng loại hợp đồng BT đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định tại Luật PPP được sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của NĐ 35 và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (trừ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 NĐ 69).
Ngoài ra, NĐ 35 cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc thanh toán dự án BT, qua đó tháo gỡ vướng mắc, củng cố niềm tin về hệ thống chính sách pháp luật, sự an toàn của môi trường đầu tư, giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư dài hạn.