Gói thầu bảo hiểm Trung tâm Hội nghị quốc gia, nhiều nhà thầu lớn vẫn phải rút lui vì “khe cửa” dường như mới chỉ mở rất nhỏ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Như Báo Đấu thầu đã phản ánh, Gói thầu Mua bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản tòa nhà Trung tâm Hội nghị quốc gia (TTHNQG) và khu biệt thự do TTHNQG mời thầu có dự toán 2,261 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 11/10/2021. Sau khi phát hành, nhiều nhà thầu đã có ý kiến, đề nghị làm rõ HSMT. Các ý kiến cho rằng, kết hợp các tiêu chí đưa ra trong HSMT thì chỉ có 1 trên tổng số 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu.
Sau khi nhận được các đề nghị làm rõ, TTHNQG đã gia hạn thời gian đóng thầu 2 lần, từ 21/10/2021 đến 8h ngày 27/10/2021 và sau đó là đến 9h ngày 28/10/2021. Dù thời gian đóng thầu được gia hạn, HSMT được điều chỉnh, nhưng theo nhiều nhà thầu, vẫn giữ nhiều tiêu chí gây cản trở khả năng dự thầu của rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn trên thị trường.
Cụ thể, theo HSMT ban đầu, tiêu chí vốn điều lệ của nhà thầu tính đến thời điểm 31/12/2020 (tiêu chí 2) nếu dưới 1.000 tỷ đồng sẽ bị chấm 0 điểm; tiêu chí “dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2020” (tiêu chí 3) dưới 1.000 tỷ đồng được 0 điểm; tiêu chí giữ lại phí bảo hiểm gốc năm 2020 (tiêu chí 4) theo HSMT cũ dưới 50% được 0 điểm. Mức điểm tối thiểu của tiêu chí 2 và 3 là 7 điểm, tiêu chí 4 là 8 điểm. Đối với nhà thầu liên danh, cả 3 tiêu chí trên “áp dụng đối với thành viên đứng đầu liên danh”.
Sau điều chỉnh, HSMT vẫn giữ nguyên các mốc như trên và thang điểm, nhưng sửa đổi cách tính đối với liên danh. Tiêu chí 2 và 3 được điều chỉnh thành: “trong trường hợp liên danh, áp dụng đối với tổng các thành viên liên danh, trong đó thành viên đứng đầu liên danh phải đạt tối thiểu 900 tỷ đồng”. Tiêu chí 4 điều chỉnh: “Trong trường hợp liên danh, áp dụng đối với tổng các thành viên liên danh, trong đó thành viên đứng đầu liên danh phải đạt tối thiểu 45%”.
HSMT cũng nêu rõ: hồ sơ đề xuất có tổng số điểm (cũng như số điểm của từng nội dung nếu có yêu cầu) đạt bằng hoặc vượt mức điểm yêu cầu tối thiểu sẽ được đánh giá là đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, được tiếp tục xem xét và đánh giá ở bước tiếp theo.
Theo nhiều nhà thầu, với việc sửa đổi này, chỉ có thêm một nhà thầu nữa có thể đáp ứng đủ cả 3 tiêu chí nêu trên. 29 trong số 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ còn lại không thể đáp ứng đủ tất cả các tiêu chí kỹ thuật nếu không liên danh với 2 nhà thầu này.
Ngoài ra, theo phản ánh của 3 nhà thầu nằm trong top 10 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay, không rõ việc đưa ra các tiêu chí vốn điều lệ quy định phải trên 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc trên 50%... căn cứ vào cơ sở nào? Đại diện một nhà thầu lấy ví dụ, khi nhận các hợp đồng bảo hiểm lớn, thông thường doanh nghiệp phải tái bảo hiểm để giảm bớt rủi ro, nên tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc có thể thấp hơn mức 50%, điều này không phản ánh năng lực của doanh nghiệp bảo hiểm…
Kết quả mở thầu được công bố ngày 28/10/2021 cho thấy đúng như dự đoán của các nhà thầu đã có đề nghị làm rõ HSMT. Theo biên bản mở thầu, chỉ có 1 nhà thầu tham dự là Liên danh Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt - Tổng công ty CP Bảo Minh - Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC). Giá dự thầu của Liên danh này là 2,224 tỷ đồng.
Bảo Việt là nhà thầu trúng thầu Gói thầu Mua bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt cho công trình TTHNQG và khu biệt thự mời thầu năm 2020 với giá trúng thầu là 1,936 tỷ đồng (giá gói thầu 2,106 tỷ đồng). Bảo Việt và Bảo Minh là 2 thành viên trong Liên danh trúng gói bảo hiểm này trong năm 2018, 2019.