Gói thầu chiếu sáng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Loại nhà thầu vội vàng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bị đánh giá không trung thực trong quá trình tham dự thầu và làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT) tại Gói thầu số 25 Thi công hệ thống điện chiếu sáng thuộc Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, Tổng công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) vừa có văn bản gửi Bên mời thầu phản đối đánh giá trên và cho rằng bị loại oan.
Gói thầu số 25 Thi công hệ thống điện chiếu sáng thuộc Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có giá gần 70 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu số 25 Thi công hệ thống điện chiếu sáng thuộc Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có giá gần 70 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu trên có giá gần 70 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 13 - 23/10/2023.

Trong văn bản trả lời đề nghị làm rõ lý do không đạt đánh giá năng lực, kinh nghiệm của Vinaincon, Bên mời thầu cho biết, nhà thầu này còn khoản nợ thuế chậm nộp hơn 400 triệu đồng đến thời điểm 31/12/2022 nhưng không trung thực trong quá trình tham gia lựa chọn nhà thầu và làm rõ HSDT. Lý do là, trong khi cơ quan thuế xác nhận còn nợ thuế thì tại HSDT, Vinaincon lại cam kết đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất (năm 2022) so với thời điểm đóng thầu.

Khi đánh giá HSDT, Bên mời thầu đã có văn bản đề nghị Nhà thầu làm rõ khoản nợ thuế chậm nộp và Nhà thầu cung cấp một số tài liệu liên quan để làm rõ, trong đó bao gồm giấy xác nhận của cơ quan thuế về khoản nợ chậm nộp trên. Nội dung xác nhận là: Số tiền chậm nộp phát sinh do doanh nghiệp (DN) kê khai bổ sung thuế thu nhập DN năm 2008 nhưng không được thể hiện tại biên bản thanh tra thuế thời điểm cổ phần hóa DN dẫn đến khi bàn giao từ DN nhà nước sang công ty cổ phần không có số nợ trên. Ngày 21/12/2023, Vinaincon đã nộp số tiền thuế chậm nộp trên, do đó, tính đến ngày 25/12/2023, dữ liệu hệ thống quản lý thuế xác định đơn vị không còn nợ khoản tiền này.

Bên mời thầu cho rằng, Vinaincon đã bất nhất trong quá trình làm rõ HSDT. Theo quy định tại khoản 12 Điều 13 Luật Quản lý thuế số 8/2019/QH, hoàn thành nghĩa vụ thuế là nộp đủ số tiền thuế phải nộp, số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách.

Trong văn bản gửi Bên mời thầu, Vinaincon cho rằng, nhận định của Bên mời thầu là chủ quan và thiếu căn cứ, chưa xem xét đến nguyên tắc cẩn trọng khi nhận định về công tác kế toán của DN dẫn đến loại Nhà thầu không thỏa đáng, nếu không được làm rõ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Nhà thầu.

Theo Vinaincon, “nguồn cơn” của đánh giá trên là do Bên mời thầu chưa hiểu hết nguồn gốc khoản tiền 437,003 triệu đồng tiền thuế chậm nộp tồn dư từ thời kỳ trước khi cổ phần hóa (năm 2008). Số tiền này không có trong số liệu bàn giao từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần, đã được cơ quan thuế xác nhận là tồn dư từ thời kỳ pháp nhân là DN nhà nước. Kể từ khi cổ phần hóa đến nay, Vinaincon không nợ thuế.

Theo Nhà thầu, để làm rõ vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ thuế trong quá trình tham dự Gói thầu số 25, ngày 25/12/2023, Vinaincon đã có Văn bản số 892/VINAINCON-TTQLĐHDA gửi cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu đề nghị làm rõ nội dung nhà thầu nợ thuế trong trường hợp trên có phải là cơ sở để đánh giá năng lực nhà thầu theo quy định của HSMT hay không.

Ngày 27/12/2023, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu đã có văn bản phúc đáp Vinaincon. Theo đó, trường hợp HSMT yêu cầu nhà thầu đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu (năm 2022) thì việc trước thời điểm đóng thầu nhà thầu đã thực hiện kê khai thuế và nộp thuế của năm 2022 theo số liệu nhà thầu kê khai trên Hệ thống thuế điện tử được coi là đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Một chuyên gia đấu thầu nêu quan điểm, căn cứ quy định của pháp luật về đấu thầu, trong trường hợp này, Bên mời thầu chưa thực sự thấu đáo, cẩn trọng trong việc kết luận Vinaincon không trung thực trong quá trình tham dự thầu và làm rõ HSDT, dẫn đến loại nhà thầu vội vã. “Đáng lẽ trước khi đưa ra nhận định nhà thầu “không trung thực” để loại, bên mời thầu và nhà thầu cần phải cùng làm rõ để thống nhất khoản nợ thuế đó bắt nguồn từ đâu. Khi xác định khoản nợ đó không phải là từ năm tài chính gần nhất (năm 2022) mà từ thời điểm trước cổ phần hóa thuộc pháp nhân khác thì phải thực hiện đánh giá lại hồ sơ đề xuất kỹ thuật, tránh loại nhà thầu vội vàng”, chuyên gia nói.

Chuyên gia đấu thầu chỉ ra, theo hướng dẫn tại Mục 2.1 Chương III mẫu HSMT xây lắp ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, một trong những tiêu chí đánh giá về năng lực và kinh nghiệm là nhà thầu đã thực hiện nghĩa vụ thuế, không phải là hoàn thành nghĩa vụ thuế. Quá trình làm rõ HSDT và các tài liệu nhà thầu cung cấp cho thấy, Vinaincon đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất (năm 2022); còn khoản nợ thuế chậm nộp cũng được cơ quan thuế xác định là khoản nợ treo từ thời điểm trước khi cổ phần hóa (năm 2008) thuộc pháp nhân là DN nhà nước.

Tin cùng chuyên mục