Gói thầu giao thông hơn 300 tỷ tại Tây Nguyên: Cạnh tranh không cân sức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án 2 (Bên mời thầu) thuộc Bộ Giao thông vận tải vừa công bố trao hợp đồng Gói thầu XL-04B thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Gói thầu ghi nhận cuộc cạnh tranh không cân sức, khi 1 trong 2 nhà thầu tham dự dừng bước ngay từ vòng đánh giá sơ bộ hồ sơ dự thầu (HSDT).
Ban Quản lý dự án 2 vừa công bố trao hợp đồng Gói thầu XL-04B thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ban Quản lý dự án 2 vừa công bố trao hợp đồng Gói thầu XL-04B thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu XL-04B Thi công xây dựng đoạn Km155 - Km160, bao gồm cầu An Mỹ và tuyến tránh Pleiku đi qua địa phận 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định, có giá dự toán được phê duyệt 378,321 tỷ đồng, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước.

Theo biên bản mở thầu, Gói thầu thu hút 2 nhà thầu tham dự. Kết quả đánh giá xác định Liên danh Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Phương Nam - Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên (Liên danh Phương Nam - Thuận Nguyên) trúng thầu với giá 328,028 tỷ đồng, giảm 13,2% so với giá gói thầu.

Tháng 1/2022, WB có ý kiến về tiến độ chậm trễ của Gói thầu XL-04B. Theo đó, để đảm bảo hoàn thành hợp đồng trước thời hạn đóng Hiệp định vay (trước 30/6/2023), Ban Quản lý dự án 2 và Liên danh đã tiến hành thương thảo, thống nhất rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng từ 24 tháng thành 16 tháng. Việc rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng sẽ không làm phát sinh chi phí thực hiện hợp đồng.

Nhà thầu tham dự còn lại là Liên danh Công ty TNHH Hoàn Hảo - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Thắng bị loại do 2 thành viên trong Liên danh đều không có Chứng chỉ năng lực của tổ chức thi công xây dựng công trình giao thông cầu đường bộ hạng III trở lên theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Bên cạnh đó, Liên danh cũng bị đánh giá không đáp ứng kinh nghiệm thi công công trình cầu đường bộ. Được biết, Liên danh đề xuất giá dự thầu sau giảm giá là 318,93 tỷ đồng (thư giảm giá 7,51%).

Liên quan đến phản ánh về sai phạm đấu thầu của Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên trong thời gian gần đây, Ban Quản lý dự án 2 cho biết có nhận được thông tin báo chí về việc Xây dựng Thuận Nguyên bị UBND tỉnh Gia Lai cấm tham gia đấu thầu 3 năm kể từ tháng 1/2022. Sau đó Bên mời thầu đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai để làm rõ. Trong văn bản phản hồi, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, vi phạm của Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên đã diễn ra từ năm 2014; đến nay chưa phát hiện được hậu quả nghiêm trọng do hành vi gian lận trong đấu thầu của Công ty gây ra. Theo Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Gia Lai, Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của UBND tỉnh Gia Lai; các dự án đầu tư xây dựng, dự toán mua sắm trong ngân sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Như vậy, Gói thầu đang xét không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 1171/QĐ-UBND, Công ty được đánh giá đủ tư cách hợp lệ tham dự Gói thầu XL-04B.

Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên có trụ sở tại tỉnh Gia Lai. 3 năm trở lại đây, doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng của Công ty đạt 182,267 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty đang cùng lúc thi công ít nhất 6 gói thầu, với tổng giá trị hợp đồng trên 900 tỷ đồng.

Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Phương Nam có trụ sở tại tỉnh Phú Thọ, doanh thu từ hoạt động xây dựng trung bình 3 năm gần nhất ghi nhận ở mức 502,331 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, Công ty được đánh giá có nhiều kinh nghiệm khi thường xuyên góp mặt trong liên danh trúng các gói thầu giao thông quy mô “nghìn tỷ”. Đơn cử như Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Giao thông kết nối Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (trúng thầu tháng 1/2022, giá trúng thầu 1.340,154 tỷ đồng); Gói thầu số 10 thuộc Dự án Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái (trúng thầu tháng 11/2021, giá trúng thầu 1.487,684 tỷ đồng)...

Với việc hoàn tất lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu XL-04B, Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đã tiến thêm một bước trên đường về đích, trong bối cảnh Dự án đang bị “vỡ” tiến độ, dẫn đến hàng loạt gói thầu xây lắp phải rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng so với kế hoạch đã được phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục