Hồ sơ mời thầu yêu cầu hợp đồng tương tự phải sử dụng vốn ngân sách nhà nước là không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi |
Gói thầu nêu trên có giá dự toán được duyệt 12,32 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 14 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách thành phố và ngân sách xã. Chủ đầu tư là UBND xã Bảo Ninh. Đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT) và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) là Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Thành Hưng (địa chỉ tại Quảng Bình). Gói thầu lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, qua mạng.
Quá trình phát hành HSMT, một số nhà thầu quan tâm đến Gói thầu đã có đơn kiến nghị Chủ đầu tư điều chỉnh hàng loạt tiêu chí mà những nhà thầu này cho rằng chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, dẫn tới hạn chế cạnh tranh.
Cụ thể, trong số các tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm, HSMT yêu cầu hợp đồng tương tự mà nhà thầu kê khai phải là hợp đồng được thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước.
Tương tự đối với nhân sự chủ chốt, HSMT yêu cầu đáp ứng kinh nghiệm tham gia ít nhất 2 công trình giao thông cấp III trở lên sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, HSMT yêu cầu các vị trí nhân sự chủ chốt đều phải có hợp đồng lao động với nhà thầu.
Trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, HSMT yêu cầu đại diện hợp pháp của nhà thầu tham dự phải tổ chức khảo sát vị trí xây dựng công trình được Chủ đầu tư xác nhận. Thêm vào đó, có văn bản thỏa thuận về việc tập kết chất thải rắn, phế liệu thừa đúng nơi quy định. Tại nội dung này, HSMT áp dụng đánh giá theo tiêu chí đạt/không đạt.
Chuyên gia đấu thầu cho biết, khái niệm về hợp đồng tương tự theo pháp luật đấu thầu hiện hành được quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tốt. Cụ thể là đáp ứng tiêu chí tương tự về quy mô và tính chất. Theo đó, việc HSMT yêu cầu hợp đồng tương tự phải sử dụng vốn ngân sách nhà nước là không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Đồng thời, vị chuyên gia khẳng định, đối với các yêu cầu khảo sát hiện trường hoặc xin xác nhận bãi đổ thải về bản chất là “giấy phép con” hạn chế nhà thầu.
Trước kiến nghị điều chỉnh HSMT của các nhà thầu, phía Chủ đầu tư đã lược bỏ yêu cầu về văn bản thỏa thuận tập kết chất thải rắn và phế liệu. Tuy nhiên đối với các tiêu chí còn lại, Chủ đầu tư bảo lưu.
Ngày 8/2/2021, Gói thầu hoàn thành mở thầu qua mạng, với sự tham dự của 2 nhà thầu. Được biết, những nhà thầu có đơn kiến nghị đều không nộp HSDT. Theo Biên bản mở thầu, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Nghiệp Thành chào giá 11,06 tỷ đồng, sau đó nhà thầu này có thư giảm giá 5%, theo đó giá dự thầu sau giảm giá là 10,507 tỷ đồng (tỷ lệ giảm giá là 14,7%). Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Đại Thành An dự thầu với giá 12,289 tỷ đồng (tỷ lệ tgiảm giá là 0,2%). Tuy có lợi thế về giá, nhưng Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Nghiệp Thành không đạt ở bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, do đó nhà thầu này bị loại.
Ngày 23/2/2021, Chủ đầu tư ra quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu nêu trên. Theo đó, nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Đại Thành An.
Thống kê sơ bộ từ dữ liệu của Báo Đấu thầu cho thấy, trong năm 2020, Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Đại Thành An được công bố trúng Gói thầu Xây lắp + thiết bị thuộc Dự án Xây dựng khu hậu cần nghề cá tại thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới - Giai đoạn 1 (giá trúng thầu 10,454 tỷ đồng) và Gói thầu số 3 Xây lắp thuộc Dự án Cầu kiểm soát cửa sông Ròon (giá trúng thầu 4,112 tỷ đồng). Cả 2 gói thầu này đều do Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng mời thầu.
Đáng chú ý, Gói thầu Xây lắp Cầu kiểm soát cửa sông Ròon có “kịch bản” đấu thầu tương tự gói thầu nêu trên, khi đối thủ duy nhất của Đại Thành An là Tư vấn Đầu tư Xây dựng Nghiệp Thành tuy có lợi thế về giá nhưng bị loại ở vòng đánh giá kỹ thuật.