Gói thầu của Viện Địa lý yêu cầu nhà thầu điều tra, khảo sát thu thập số liệu tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (ảnh minh họa: internet) |
Gói thầu số 3 Điều tra, khảo sát thu thập số liệu, tài liệu phục vụ nghiên cứu thuộc Dự án Gói 3+4 HP1 Nội dung khoa học và công nghệ được Viện Địa lý (bên mời thầu) phát hành HSMT từ ngày 21/10/2021; đóng thầu vào ngày 31/10/2021. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu phát hành HSMT, một số nhà thầu cho rằng, tiêu chí trong HSMT đưa ra không phù hợp, không đảm bảo công bằng cho các nhà thầu khi dự thầu.
Theo phản ánh của nhà thầu, HSMT yêu cầu nhân sự chủ chốt của Gói thầu (các vị trí: Chủ trì hợp đồng; Chuyên gia khảo sát thủy hải văn; Chuyên gia khảo sát địa hình) phải có kinh nghiệm thực hiện gói thầu/dự án tại khu vực dự án (lưu vực sông Hương và sông Vu Gia - Thu Bồn). Đối với thiết bị máy móc, HSMT yêu cầu thiết bị đo sóng, dòng chảy phải là “máy AWAC”.
Nhà thầu cho rằng, việc chỉ đích danh nhân sự phải có kinh nghiệm thực hiện gói thầu/dự án tương tự như khu vực thực hiện của gói thầu là tiêu chí không đảm bảo công bằng, khách quan cho các nhà thầu tham dự thầu.
Một nhà thầu khác phản ánh, HSMT yêu cầu nhân sự “Chủ trì hợp đồng” phải có trình độ "tiến sĩ kỹ thuật" mới được đánh giá đạt yêu cầu. Tiêu chí này là quá cao khi bằng cấp của nhân sự được yêu cầu cấp cao nhất - tiến sĩ, là không cần thiết và chưa phù hợp với Gói thầu.
Ngoài ra, yêu cầu đối với chuyên gia khảo sát địa hình “có trình độ đại học trở lên chuyên ngành thủy lợi, xây dựng và phải có chứng chỉ hành nghề khảo sát địa hình” được nhà thầu cho rằng không phù hợp. Trên thực tế, theo Điều 66, Điều 67 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát địa hình phải có chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành về địa chất công trình, trắc địa, bản đồ, các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan. Do đó, tiêu chí này được xây dựng không phù hợp với quy định của pháp luật, nhà thầu cho biết.
Mặt khác, yêu cầu của Gói thầu là khảo sát, đo vẽ địa hình dưới nước để đáp ứng các tiêu chuẩn của việc thành lập bản đồ địa hình đáy biển. Tuy nhiên, nhà thầu cho rằng, HSMT lại không yêu cầu nhà thầu có giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ địa hình đáy biển mà lại yêu cầu chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng trong lĩnh vực khảo sát địa hình.
Sau khi tiếp nhận các phản ánh từ phía nhà thầu và Báo Đấu thầu, một cán bộ của Viện Địa lý thông tin, Viện đã tiến hành điều chỉnh một số tiêu chí đưa ra trong HSMT.
Đơn cử, HSMT được điều chỉnh, bỏ tiêu chí “thành lập bản đồ địa hình đáy biển”. HSMT thay đổi tiêu chí “kinh nghiệm thực hiện gói thầu/dự án tại khu vực dự án lưu vực sông Hương và sông Vu Gia - Thu Bồn” thành “kinh nghiệm thực hiện gói thầu/dự án tương tự tại khu vực cửa sông ven biển có điều kiện địa lý, đặc trưng về thủy hải văn như địa bàn nghiên cứu của dự án”.
Đối với tiêu chí của nhân sự chủ chốt, HSMT yêu cầu chuyên gia khảo sát địa hình có trình độ đại học trở lên, có chứng chỉ phù hợp với hoạt động khảo sát địa hình.
Đối với thiết bị đo sóng, dòng chảy, HSMT yêu cầu, thiết bị đo sóng, dòng chảy có đặc điểm thiết kế đo sóng, phổ sóng và dòng chảy có đặc điểm phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của gói thầu trong mô tả dịch vụ cần cung cấp; là thiết bị đo tổng hợp sóng, dòng chảy AWAC hoặc thiết bị có tính năng kỹ thuật tương đương.
Riêng đối với yêu cầu nhân sự “Chủ trì hợp đồng” phải có trình độ "tiến sĩ kỹ thuật", HSMT bảo lưu quan điểm đưa ra, không sửa đổi, điều chỉnh đối với tiêu chí này. Một cán bộ của Bên mời thầu thông tin, sản phẩm đầu ra của Gói thầu sẽ là dữ liệu đầu vào quan trọng để phục vụ nghiên cứu xây dựng các mô hình phục vụ cảnh báo tai biến thiên nhiên, do đó, tổ chuyên gia và Bên mời thầu thống nhất giữ nguyên yêu cầu phải là "tiến sĩ kỹ thuật" đối với trình độ của “Chủ trì hợp đồng” để đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm của Gói thầu.
Được biết, Gói thầu đã được Bên mời thầu gia hạn thời điểm đóng thầu, chuyển từ ngày 31/10/2021 sang ngày 6/11/2021. Giá dự toán của gói thầu này là 2,385 tỷ đồng.