Hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn nguyên vật liệu sản xuất ra các hàng hóa của gói thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Gói thầu nêu trên có giá dự toán 7,653 tỷ đồng, do Công ty CP Tư vấn và Xây dựng 368 Hà Nội tư vấn lập HSMT, Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng thương mại Thành Phát thẩm định HSMT.
Về tiêu chuẩn kỹ thuật, HSMT yêu cầu “nhà thầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn nguyên vật liệu sản xuất ra các hàng hóa của Gói thầu”. Theo các nhà thầu, tính chất của Gói thầu là mua sắm sản phẩm hàng hóa đã hoàn thiện (bàn, ghế), yêu cầu này vô tình gây hạn chế đối với các nhà thầu thương mại (không phải nhà sản xuất) khi phải xin hồ sơ tài liệu nguồn gốc nguyên vật liệu đầu vào qua nhiều khâu, nhiều đơn vị trung gian ngay trong giai đoạn đấu thầu.
Cũng tại nội dung đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật, HSMT quy định một loạt các tiêu chuẩn và phương pháp thử đối với hàng hóa, trong đó có nhiều tiêu chuẩn được cho là không bắt buộc áp dụng theo quy định chuyên ngành, hoặc tiêu chuẩn đã hết hiệu lực như: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8048-2:2009 (ISO 3131:1975) về gỗ - phương pháp thử cơ lý - Phần 2: Xác định khối lượng thể tích cho các phép thử cơ lý; Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8048-5:2009 (ISO 3132:1975) về gỗ - phương pháp thử cơ lý - Phần 5: Thử nghiệm nén vuông góc với thớ; Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7754:2007 về ván gỗ nhân tạo - ván dăm đã được hủy bỏ bởi Quyết định số 4184/QĐ-BHKHCN ngày 28/12/2018...
“Mục đích mua sắm hàng hóa đạt tiêu chuẩn là tốt, tuy nhiên, trường hợp Bên mời thầu đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn và yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn khác thường so với hàng hóa tương tự đang được tổ chức mua sắm trên cả nước sẽ gây ra cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP”, một nhà thầu nêu quan điểm.
Biên bản mở thầu ngày 15/12 ghi nhận 4 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, gồm: Công ty TNHH Thiết bị trường học Phục Hưng; Công ty CP P&C Việt Nam; Liên danh Thăng Long - Thiết bị giáo dục - Hoàng Cường; Công ty TNHH Nhật Linh Đà Nẵng.
Đối với uy tín của nhà thầu, HSMT thêm vào tiêu chí đánh giá uy tín tài chính thông qua tình hình thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà thầu (nhà thầu có văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế về việc đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế (không nợ thuế với bất kỳ hình thức nào) đến hết ngày 30/9/2023). Theo các nhà thầu, việc Bên mời thầu tự ý thêm tiêu chí này vào mục đánh giá uy tín nhà thầu là trái với các mẫu HSMT ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.
Làm rõ phản ánh từ phía các nhà thầu, Bên mời thầu cho biết, việc yêu cầu các tài liệu chứng minh nguồn nguyên vật liệu nhằm đảm bảo hàng hóa được sản xuất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt nhất, đúng với dự toán được duyệt. “Với tiêu chí uy tín nhà thầu, để đảm bảo nhà thầu có đầy đủ nguồn lực, vật lực để thực hiện Gói thầu, việc yêu cầu nhà thầu có tài chính lành mạnh là cần thiết, tránh trường hợp nhà thầu trong quá trình cung cấp hàng hóa không đủ nguồn lực làm ảnh hưởng đến tiến độ chung”, Bên mời thầu phúc đáp.
Một chuyên gia đấu thầu cho biết, các mẫu HSMT chỉ yêu cầu nhà thầu cam kết theo đơn dự thầu về việc đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu tại phần đánh giá năng lực và kinh nghiệm, mà không đề cập đến nghĩa vụ tài chính (xác nhận không nợ thuế) như một tiêu chí đánh giá điểm kỹ thuật (uy tín) của nhà thầu. Do đó, quy định như tại HSMT là một “biến tướng” trong đánh giá uy tín nhà thầu.
Cũng theo vị chuyên gia, đối với các yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa, về nguyên tắc khi chào thầu, các nhà thầu thương mại có đề xuất giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (C/Q) đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận xuất xưởng đối với hàng hóa sản xuất trong nước; tài liệu kỹ thuật/xác nhận thông số kỹ thuật của nhà sản xuất... là đáp ứng tính pháp lý chứng minh nguồn gốc của hàng hóa, thay vì chứng chỉ ISO, TCVN hoặc các dạng tài liệu tương đương.