Văn bản của Cục Quản lý đấu thầu chuyển kiến nghị của nhà thầu tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
Tại văn bản này, Cục Quản lý đấu thầu cho biết, ngày 7/5/2018, Cục Quản lý đấu thầu nhận được Công văn số 75/2018/SQ-BKHĐT của Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Thương mại Song Quỳnh (Công ty Song Quỳnh) báo cáo về vi phạm pháp luật đấu thầu và cạnh tranh.
Cụ thể, Công ty Song Quỳnh tham gia đấu thầu cung cấp vật tư, thiết bị điện phục vụ sửa chữa lớn năm 2018 Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2. Trong quá trình tham gia đấu thầu, Công ty Song Quỳnh phải làm rõ 3 nội dung, trong đó có yêu cầu cung cấp bản gốc giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc bản gốc giấy ủy quyền của nhà phân phối. Về vấn đề này, Công ty Song Quỳnh đã làm việc với nhà cung cấp là Công ty TNHH Azbil Việt Nam, đồng thời là đại diện nhà sản xuất Azbil Nhật Bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, Công ty Azbil đã từ chối cấp ủy quyền bán hàng cho Công ty Song Quỳnh với lý do chỉ cấp giấy ủy quyền cho Công ty TNHH Vật tư và Thiết bị công nghiệp Hải Phát - nhà thầu cùng tham gia đấu thầu gói thầu nêu trên và có giá thấp liền kề với Công ty Song Quỳnh.
Về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất, Cục Quản lý đấu thầu cho biết, tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định cụ thể: “Trường hợp các nhà sản xuất, các đại lý, nhà phân phối cố tình không cung cấp cho nhà thầu giấy phép bán hàng hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc các tài liệu khác có giá trị tương đương mà không có lý do chính đáng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại và cạnh tranh, dẫn đến tạo lợi thế hoặc tạo sự độc quyền cho các nhà thầu khác thì nhà thầu cần kịp thời phản ánh đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương để kịp thời xử lý”. Theo đó, Cục Quản lý đấu thầu đã chuyển văn bản kiến nghị của Công ty Song Quỳnh đề nghị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương xem xét, xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh và các quy định liên quan.
Quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Điều 11 Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua mới đây đã liệt kê 11 thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Trong đó, liên quan đến hoạt động đấu thầu, Khoản 4 Điều 11 Luật Cạnh tranh (sửa đổi) chỉ rõ, “thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ” là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Theo quy định của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thì thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu là hành vi bị cấm.
Lý giải thêm về điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy định tại Khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu chỉ đề cập đến 3 hình thức cụ thể của hành vi thông thầu. Các quy định tại Luật Đấu thầu chỉ áp dụng đối với hình thức đấu thầu có sử dụng vốn nhà nước, trong khi quy định tại Khoản 4 Điều 11 Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có phạm vi rộng hơn, bao quát nhiều dạng thức khác có thể phát sinh trong hoạt động đấu thầu liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung. Các dạng thức phát sinh này có thể là: Thỏa thuận đưa mức giá cao, hoặc quá cao, hoặc kèm theo điều kiện mà bên mời thầu không thể chấp nhận; thỏa thuận rút hồ sơ thầu được nộp trước đó; thỏa thuận quay vòng thắng thầu; thỏa thuận phân chia thầu…