Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Tuy nhiên, mới đây, ngay sau khi nhận được phản ánh của nhà thầu, Ban đã có thông báo gia hạn đóng thầu vào ngày 9/8. Vậy nội dung phản ánh của nhà thầu ra sao?
Yêu cầu nhà thầu phải có tiền “tiết kiệm”?
Trong đơn kiến nghị làm rõ hồ sơ mời thầu (HSMT) gửi đến Báo Đấu thầu mới đây, một nhà thầu tham gia mua HSMT gói thầu nói trên đã chỉ ra những điều kiện về tài chính, kỹ thuật hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Đây là gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Đối với yêu cầu về năng lực tài chính, Nhà thầu phản ánh, HSMT yêu cầu nhà thầu tham dự phải có nguồn lực tài chính là 23 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà thầu phải có số dư tài khoản (bản gốc) tại ngân hàng để chứng minh nhà thầu có năng lực về vốn tối thiểu là 23 tỷ đồng (kể từ khi nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) đến khi có thông báo trúng thầu), Nhà thầu phải chứng minh bằng hợp đồng tiền gửi, Bên mời thầu sẽ kiểm tra bất kỳ trong thời gian đánh giá HSDT. Nếu nhà thầu không bảo đảm điều kiện này thì HSDT sẽ bị loại.
“Yêu cầu nhà thầu phải có số dư tài khoản tối thiểu tại ngân hàng khác nào yêu cầu nhà thầu phải có sổ tiết kiệm mới có thể tham gia lựa chọn nhà thầu. Thực tế, nguồn vốn nhà thầu có thể huy động từ nhiều kênh. Như vậy, HSMT có dấu hiệu tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh, hướng đến một nhà thầu nào đó có số tiền dư như vậy”, Nhà thầu nhấn mạnh.
Giải thích về yêu cầu này của HSMT, ông Phan Mạnh Hưng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết, yêu cầu trên đưa ra là để lựa chọn nhà thầu thực sự có tiềm lực tài chính sẵn sàng để thực hiện Gói thầu. Giả sử nguồn lực tài chính của nhà thầu không mạnh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án. “Yêu cầu này cũng không nhằm hạn chế hay gây bất lợi cho bất kỳ nhà thầu nào”, ông Hưng khẳng định và cho biết, hiện nay ở Vĩnh Phúc không có nhà thầu nào sản xuất máy bơm, nên phản ánh HSMT tạo điều kiện cho nhà thầu tại địa phương này là không đúng.
Với yêu cầu trên, chuyên gia đấu thầu nhìn nhận, pháp luật về đấu thầu hiện hành không có quy định hay yêu cầu nào về việc nhà thầu phải có số dư về tài chính khi tham dự thầu. Trong trường hợp này, việc HSMT đưa ra yêu cầu về tài chính với số dư như vậy cũng có thể tạo điều kiện cho một bên nào đó, nhưng không có nghĩa là có dấu hiệu tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh Vĩnh Phúc.
Và thêm những tiêu chí khác
Liên quan đến yêu cầu về thiết bị máy bơm, HSMT nêu rõ: “Đường kính cánh bơm ≤ 850 mm”. Theo Nhà thầu kiến nghị, thực tiễn cho thấy, trong trường hợp có cùng công suất, máy bơm nào có đường kính cánh bơm lớn sẽ có khả năng cung cấp lưu lượng lớn hơn tại cùng một cột áp, như vậy sẽ có lợi hơn cho người sử dụng, nhưng HSMT lại khống chế đường kính cánh bơm.
Cũng theo Nhà thầu, thực tế theo bảng thuyết minh cơ khí trong HSMT cho thấy, đường kính cánh bơm thiết bị máy bơm của hai hãng lớn: FLYGT là 940 mm, KSB là 870 mm đều không đạt tiêu chí HSMT đưa ra. “Như vậy khác nào chỉ định một nhà thầu đã được nhắm đến. Tôi không hài lòng với tiêu chí này”, Nhà thầu bức xúc.
Về tiêu chí này, ông Hưng giải thích: “Bảng thuyết minh cơ khí trong HSMT không phải là tiêu chí đánh giá hồ sơ để loại nhà thầu, mà đây chỉ là một chỉ dẫn kỹ thuật đối với nhà thầu để tham khảo”.
Tham vấn yêu cầu này, TS. Trần Văn Công, Phó Viện trưởng Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam nêu quan điểm, đường kính cánh bơm to quá thì khiến tăng tải, còn nhỏ quá thì làm tăng tổn thất thủy lực. Đường kính cánh bơm nên ở con số 850 mm, bởi nếu nhỏ hơn mức 850 mm thì tổn thất thủy lực rất lớn.
Một điều kiện đáng chú ý khác tại HSMT là yêu cầu về kinh nghiệm thi công chung xây lắp và cung cấp thiết bị có thêm điều kiện nhà thầu phải chứng minh năng lực có đủ khả năng kiểm tra, thử nghiệm máy bơm tại Việt Nam bằng hệ thống thử thuộc sở hữu của nhà thầu hoặc hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị có đầy đủ cơ sở vật chất, hệ thống thử nghiệm máy bơm chìm có lưu lượng 12.300 m3/h. Hệ thống bể thử phải có chứng nhận của đơn vị kiểm tra độc lập… “Tham chiếu yêu cầu và thực tế trong phạm vi cung cấp, chế tạo bơm chìm có công suất tương đương dự án thực hiện lắp ráp máy bơm chìm trong nước thì ở Việt Nam chỉ có Công ty TNHH Bơm EBARA Việt Nam đáp ứng. Chứng cớ này càng khẳng định HSMT đang nhắm đến một đơn vị nhất định”, Nhà thầu bức xúc.
Còn lãnh đạo Ban giải thích: “Ba đơn vị sản xuất bơm lớn của Việt Nam là Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương, EBARA Việt Nam và Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi đều có bể thử, chứ nhà thầu phản ánh chỉ có một đơn vị có bể thử là không đúng”.
Về vấn đề này, TS. Công cho biết: “Đúng là ở Việt Nam chỉ có Công ty TNHH Bơm EBARA Việt Nam đáp ứng được vì họ có bể thử chìm; còn ngay cả Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương cũng chỉ có bể thử đối với bơm nổi”.