Trong số các công trình giao thông cấp bách giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, hiện có 3 công trình đang được thi công, 2 công trình tạm dừng triển khai |
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội – chủ đầu tư nói gì về các công trình cấp bách này?
8 công trình cấp bách, nhưng mới khởi công được 3
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ngày 22/11/2016, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết: Trong số các công trình giao thông cấp bách giảm ùn tắc giao thông do thành phố Hà Nội thực hiện được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù (áp dụng hình thức giao thầu) tại Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 05/4/2016 (VB573), hiện tại có 3 công trình đang được triển khai thi công; 2 công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ dự án; 2 công trình tạm dừng triển khai. Riêng Công trình hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3, do yêu cầu về vốn lớn nên Sở GTVT đang đề nghị Bộ GTVT xem xét kêu gọi vốn ODA kết hợp sử dụng vốn dư từ Dự án Đường vành đai 3.
Ông Vương Minh Hoan, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch và Đầu tư thuộc Sở GTVT Hà Nội cho biết cụ thể hơn về tiến độ triển khai 6 công trình cải tạo nút giao và 1 công trình đường nằm trong diện được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức giao thầu.
Về tiến độ nhóm công trình đang triển khai thi công (3 công trình), ông Hoan cho biết, Công trình Cầu Vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái đã được khởi công ngày 29/05/2016 và dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Cầu Vượt nút giao Cổ Linh được khởi công ngày 30/7/2016 và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017. Còn công trình Xây dựng đường vành đai 3 dưới thấp (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long) đã đượckhởi công ngày 5/10/2016 và dự kiến hoàn thành trong năm 2017.
Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, 2 trong số 8 công trình nêu trên đang trong giai đoạn hoàn thiện dự án. Cụ thể, Công trình Cải tạo nút giao đường Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc đã được Thường trực HĐND Thành phố cho ý kiến thống nhất về chủ trương đầu tư tại Văn bản số 451/HĐND-KTNS ngày 1/11/2016. Về tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 11/2016; phê duyệt dự án trong năm 2016; khởi công và hoàn thành năm 2017.
Còn Công trình Xây dựng cầu vượt tại nút An Dương - đường Thanh Niên, ông Vương Minh Hoan cho biết: “Chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND Thành phố thống nhất tại Văn bản số 359/HĐND-KTNS ngày 12/9/2016. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ dự án và thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như lấy ý kiến của Hội Thủy lợi Việt Nam (do liên quan đến đê cấp đặc biệt)”. Đề cập đến tiến độ thực hiện công trình, ông Hoan cho biết: “Dự kiến phê duyệt dự án trong năm 2016, khởi công và hoàn thành 2017”.
Ngoài 2 công trình tạm dừng, trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu về việc “các công trình còn lại chưa được khởi công có còn cấp bách không?”, phía Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh: “Sở GTVT khẳng định những công trình đang được triển khai thi công và những công trình đang hoàn thiện hồ sơ dự án là những công trình cấp bách cần phải thực hiện ngay để khắc phục kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố”.
Vận dụng hình thức chỉ định thầu để giao thầu
Trao đổi với Báo Đấu thầu về quy trình giao thầu các dự án nêu trên, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình, trình tự và thủ tục giao thầu. Để đảm bảo nguyên tắc lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia thực hiện, Sở GTVT đã nghiên cứu, vận dụng các thủ tục chỉ định thầu để thực hiện giao thầu”.
Cụ thể, ông Vương Minh Hoan cho biết, để giao thầu phải triển khai thực hiện các bước như: Phê duyệt hồ sơ yêu cầu giao thầu; Phát hành hồ sơ yêu cầu giao thầu; Chuẩn bị hồ sơ đề xuất giao thầu; Đánh giá hồ sơ đề xuất giao thầu; Thẩm định và phê duyệt kết quả giao thầu; Ký kết hợp đồng giao thầu.
Về khâu phát hành hồ sơ yêu cầu giao thầu, đại diện Phòng Kế hoạch và Đầu tư thuộc Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm: “Hồ sơ yêu cầu giao thầu được gửi đến những đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công được đánh giá có nhiều năng lực, kinh nghiệm đã từng tổ chức thiết kế và thi công nhiều công trình tương tự trên địa bàn thành phố Hà Nội và trên địa bàn cả nước”. Còn về kết quả giao thầu, theo vị đại diện này, trong quá trình tổ chức lựa chọn, các đơn vị thi công cũng đã có đề xuất tiết kiệm kinh phí so với thiết kế, dự toán được duyệt