Hai dự án cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai - Việt Đức: Vẫn vướng phương án điều chỉnh hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa có cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án điều chỉnh hợp đồng một số gói thầu thuộc các dự án, thúc đẩy thương thảo với các nhà thầu để sớm đi đến thống nhất.
Khối lượng thi công xây lắp và thiết bị tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đến nay ước đạt 97,8% giá trị hợp đồng. Ảnh: Quân Đỗ
Khối lượng thi công xây lắp và thiết bị tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đến nay ước đạt 97,8% giá trị hợp đồng. Ảnh: Quân Đỗ

Theo dự kiến ban đầu, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai (tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng) và cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (tổng mức đầu tư là 4.968 tỷ đồng) phải hoàn thành vào năm 2020, nhưng do nhiều khó khăn, vướng mắc nên phải tạm ngừng triển khai từ giữa năm 2020 cho đến nay. Khối lượng thi công xây lắp và thiết bị tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai ước đạt 97,8% giá trị hợp đồng; cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ước đạt 86,3% giá trị hợp đồng.

Để tháo gỡ khó khăn và giải quyết dứt điểm vướng mắc kéo dài, Bộ Y tế đã điều chỉnh thời gian thực hiện 2 dự án đến hết ngày 31/12/2024. Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, Thủ tướng yêu cầu, trong quý I/2024, Bộ Y tế chủ trì với các cơ quan, địa phương hoàn thành việc xử lý 2 dự án theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm thuộc Bộ Y tế (Chủ đầu tư - CĐT) cùng các bộ ngành và các nhà thầu đã họp nhiều lần để rà soát và thương thảo từng nội dung vướng mắc. Đến nay, một số nội dung đã đạt được sự đồng thuận của các nhà thầu, nhưng vẫn còn một số nội dung chưa tìm được tiếng nói chung giữa các bên, chủ yếu là 2 gói thầu xây lắp khối nhà chính: Gói thầu XDBM-01 thuộc cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai (1.990 tỷ đồng), Gói thầu XDVĐ-01 thuộc cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (2.000 tỷ đồng).

Các bên đã đề xuất nhiều phương án điều chỉnh giá khác nhau. Trong đó, phương án điều chỉnh hợp đồng được Tổ công tác cho là có tính khả thi hơn cả là: xác định giá hợp đồng sau điều chỉnh (giá thanh toán) dựa theo giá trúng thầu trong hợp đồng (không bao gồm dự phòng phí) cộng với giá trị khối lượng phát sinh (do các yếu tố thay đổi) và trượt giá (Phương án 2). Tuy nhiên, việc thực hiện rà soát để thống nhất điều chỉnh gặp khó khăn.

Để các dự án có thể hoàn thành trong năm 2024, theo tính toán của các nhà thầu thi công Gói thầu XDBM-01 (Liên danh Tổng công ty 36 - Tổng công ty 319 - Tổng công ty Thành An) và Gói thầu XDVĐ-01 (Liên danh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty CP Hồng Hà Việt Nam) về kế hoạch sẵn sàng tiếp tục triển khai thi công, thì CĐT phải chốt được phương án điều chỉnh hợp đồng và hai bên phải hoàn tất thủ tục pháp lý trước ngày 30/4/2024. Sau khi các bên hoàn tất thủ tục pháp lý, để hoàn thành các gói thầu, cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai cần ít nhất 6 tháng, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức cần ít nhất 9 tháng.

Cụ thể, đối với giá trị theo hợp đồng ban đầu: không xác định được khối lượng công việc chi tiết theo hợp đồng và phương thức nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành theo hợp đồng, do các nhà thầu dự thầu và ký hợp đồng với khối lượng tổng hợp là hạng mục công trình, hệ thống thiết bị và đơn giá hợp đồng là giá tổng hợp cho cả hạng mục công trình, hệ thống thiết bị. Khối lượng và yêu cầu kỹ thuật cho hạng mục công trình, hệ thống thiết bị khi mời thầu, dự thầu và ký kết hợp đồng đều không đầy đủ, chi tiết; khối lượng cụ thể và yêu cầu kỹ thuật chi tiết chỉ được thể hiện ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công. Do không thể kiểm soát công tác điều chỉnh bổ sung thiết kế và chi phí, nên không thể xác định cụ thể phần công việc theo hợp đồng và phần công việc phát sinh để quyết toán.

Giá trị khối lượng phát sinh cũng khó xác định, do khi đấu thầu thực hiện trên thiết kế cơ sở kèm theo thuyết minh, không xác định được khối lượng gốc và đơn giá gốc cụ thể, chi tiết (không có thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công), nên nhiều công việc, hạng mục hoặc các yếu tố thay đổi, điều chỉnh, phát sinh không thể tính toán được khối lượng mới tăng/giảm so với khối lượng ban đầu; không thể ước tính, khái tính các giá trị phát sinh liên quan đến các yếu tố thay đổi thiết kế cơ sở, như thay đổi cấp độ tải trọng kết cấu (dẫn đến thay đổi kết cấu móng), thay đổi điều chỉnh mặt bằng công năng, thay đổi điều chỉnh chủng loại cấu hình trang thiết bị, tăng cấp độ tiêu chuẩn vật liệu, thiết bị. Mặt khác, cũng không tính toán được yếu tố trượt giá do không xác định được khối lượng gốc và đơn giá gốc cụ thể, chi tiết.

Trao đổi với phóng viên, các nhà thầu cho biết, họ đã có văn bản yêu cầu CĐT nếu thực hiện theo Phương án 2, thì phải cung cấp cho nhà thầu thiết kế kỹ thuật phần kiến trúc phù hợp với thiết kế cơ sở ban đầu, để từ đó nhà thầu thiết kế lại phần kết cấu và cơ điện phù hợp, từ đó tính toán giá trị phát sinh, nhưng CĐT không cung cấp được. Cho đến nay, CĐT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn phương pháp thực hiện phương án này.

Tin cùng chuyên mục