Hoạt động đánh giá, xếp hạng nhà thầu đã góp phần bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình, dự án. Ảnh: Tất Tiên |
Cần thiết đánh giá năng lực nhà thầu
Trong những năm gần đây, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà thầu cũng như góp phần tôn vinh các nhà thầu có năng lực, loại bỏ những nhà thầu yếu kém, nhiều bộ, ngành, hiệp hội trong nước đã tổ chức đánh giá và công bố năng lực nhà thầu.
Tại Bộ Giao thông vận tải, công tác này được thực hiện từ nhiều năm nay, nhất là khi tình trạng nhiều công trình tiền tỷ nhanh chóng hư hỏng, gây bức xúc cho dân. Việc xếp hạng được chia ra ở từng lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không với từng mức đánh giá rõ ràng, chặt chẽ. Chẳng hạn, năng lực nhà thầu xây lắp tham gia các dự án giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư sẽ được chia theo từng mức (nhà thầu đáp ứng yêu cầu, nhà thầu trung bình, nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu) dựa trên bộ tiêu chí cụ thể. Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc đánh giá, xếp hạng nhà thầu đã dần loại bỏ những nhà thầu yếu kém, bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình, dự án giao thông.
Còn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác đánh giá và công bố năng lực nhà thầu đã được thực hiện khoảng 10 năm trở lại đây. Đại diện một đơn vị trực tiếp thực hiện công bố đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án do Bộ quản lý nhìn nhận, tiến độ cũng như chất lượng các gói thầu/dự án đã có bước tiến đáng ghi nhận. Tỷ lệ nhà thầu “chây ì” giảm bớt, sức cạnh tranh được nâng lên. Tiếp tục triển khai công tác này, gần đây nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố “cấm” 23 nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý năm 2015 do không đáp ứng yêu cầu.
Từ năm 2008, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 02/2008/QĐ-BXD về việc ban hành quy định quản lý thông tin về năng lực của các tổ chức hoạt động xây dựng qua Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng. Theo Bộ Xây dựng, đây là phương pháp tốt nhằm loại bỏ nhà thầu thi công kém chất lượng, chậm tiến độ, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư.
Được biết, hiện nhiều bộ, ngành, thậm chí là địa phương đang xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu của Việt Nam.
Nhà thầu yếu kém hết đường gian dối
Đánh giá cao việc nhiều cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, công bố công khai năng lực nhà thầu, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Rõ ràng đây là một việc làm rất tốt để tôn vinh những nhà thầu uy tín, đồng thời cũng là sự cảnh báo, buộc các nhà thầu có năng lực kém hơn có biện pháp khắc phục và vươn lên. Nhà thầu yếu kém hết đường làm ăn gian dối”.
Đề cập về việc đã có một số nhà thầu “phản ứng” đối với các đánh giá này, ông Lê Văn Tăng quả quyết: “Nếu nhà thầu có năng lực thực sự tại sao lại thi công chậm, lại vi phạm hợp đồng?”. Chuyên gia đấu thầu này cho rằng: “Chỉ có điều tiêu chí đánh giá của từng đơn vị có khác nhau ít nhiều, có nơi cao, có nơi thấp mà thôi. Còn việc đánh giá năng lực là rất công bằng”.
Ông Tăng cho biết thêm: “Nếu một nhà thầu thực hiện gói thầu chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như chất lượng gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó. Những tình huống này đã được Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định rõ”.