Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT cho biết, trong năm 2019, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các hành vi tiêu cực vẫn tồn tại và xảy ra tại hầu hết các khâu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tình trạng chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức kém cạnh tranh như chỉ định thầu nhằm hạn chế nhà thầu tham dự thầu vẫn còn. Việc đăng tải thông tin trong đấu thầu chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Công tác lựa chọn nhà thầu của một số chủ đầu tư chưa chặt chẽ, còn sai sót trong quá trình lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) dẫn đến kiến nghị trong đấu thầu. Việc giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu còn chưa thỏa đáng, dẫn đến kiến nghị kéo dài, phải thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án (tỉnh Sơn La, tỉnh Kon Tum,…).
Vẫn còn tình trạng chủ đầu tư lựa chọn các đơn vị tư vấn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm, lựa chọn tư vấn đấu thầu mang tính hình thức (một số chủ đầu tư thuộc Bộ Công an) hoặc buông lỏng quản lý, giao phó toàn bộ công việc cho tư vấn đấu thầu dẫn đến một số gói thầu xảy ra hiện tượng thông đồng với nhà thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu (một số chủ đầu tư thuộc Bộ Quốc phòng). Ngoài ra, một số chủ đầu tư và tư vấn chưa mạnh dạn trong việc báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý nhà thầu có hành vi vi phạm trong đấu thầu.
Bộ KH&ĐT đánh giá, các hành vi tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu có nguyên nhân từ việc thiếu quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu, sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu. Hơn nữa, vẫn còn tình trạng can thiệp định hướng của các cấp quản lý trong quá trình lựa chọn nhà thầu dẫn tới việc bỏ qua các sai phạm như: thông đồng, dàn xếp trong đấu thầu, thậm chí tạo áp lực cho các chủ đầu tư, bên mời thầu, ban quản lý dự án để cho nhà thầu thân hữu đã xác định trước trúng thầu.
Thực tế tại một số cơ quan, đơn vị cho thấy, nếu người đứng đầu quyết liệt thì công tác đấu thầu đạt kết quả tốt, quá trình lựa chọn nhà thầu đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.
Nguyên nhân quan trọng khác là năng lực của chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu, chưa làm hết trách nhiệm. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của một số bộ, ngành, địa phương còn mang tính hình thức, chất lượng chưa đảm bảo; cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc cùng địa phương, ngành nên còn xảy ra tình trạng nể nang, không muốn làm hoặc không dám làm tới cùng. Việc xử phạt về đấu thầu chưa nghiêm minh, chế tài chưa đủ sức răn đe, mức phạt chưa đủ mạnh, đặc biệt là chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu với việc phát hiện và xử lý sai phạm trong đấu thầu của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Để đảm bảo hiệu quả công tác đấu thầu, giải pháp đầu tiên được Bộ KH&ĐT đưa ra là phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu. Trong đó, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với hiệu quả thực hiện công tác đấu thầu; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp dung túng, buông lỏng quản lý của người đứng đầu và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó là tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, thường xuyên đánh giá chất lượng các cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với những cán bộ thanh tra, kiểm tra có biểu hiện buông lỏng, thiếu trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra mang tính hình thức.
Các giải pháp quan trọng khác được Bộ đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ là phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng; tăng cường công khai minh bạch thông tin trong đấu thầu; đẩy mạnh công tác truyền thông; đào tạo nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đấu thầu. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm hài hòa, thống nhất giữa các quy định pháp luật đấu thầu và các pháp luật chuyên ngành liên quan…