Hóa giải nhiều băn khoăn về đấu thầu trước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không áp dụng biện pháp bảo đảm dự thầu đối với gói thầu thực hiện đấu thầu trước nhằm hạn chế tối đa rủi ro về chi phí cho nhà thầu; quy định rõ trường hợp dự án sử dụng vốn ODA mà nhà tài trợ không yêu cầu ký hợp đồng trước thì chủ đầu tư vẫn được áp dụng đấu thầu trước…
Tại các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, một số nhà tài trợ yêu cầu phải ký kết trước hợp đồng thương mại như một điều kiện để đàm phán, ký kết thỏa thuận vay. Ảnh: Tiên Giang
Tại các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, một số nhà tài trợ yêu cầu phải ký kết trước hợp đồng thương mại như một điều kiện để đàm phán, ký kết thỏa thuận vay. Ảnh: Tiên Giang

Đó là một số nội dung mới được Ban soạn thảo cập nhật, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu (Luật sửa 4 Luật).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ đã rà soát, lược bỏ một số nội dung tại Dự thảo Luật sửa 4 Luật để bảo đảm các nội dung sửa đổi, bổ sung phải là những vấn đề thực sự cần thiết, có khả năng triển khai thực hiện ngay nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu... Hiện tại, Bộ đã dự thảo các nghị định hướng dẫn một số quy định của Dự thảo Luật sửa 4 Luật, bao gồm: Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch, Nghị định hướng dẫn Luật PPP, Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đặc biệt, Dự thảo Luật sửa 4 Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu về một số hoạt động đấu thầu được thực hiện trước khi dự án, điều ước quốc tế được phê duyệt, ký kết (đấu thầu trước).

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến, đấu thầu trước có thể gây rủi ro về chi phí cho nhà thầu trong trường hợp dự án không được phê duyệt hoặc thỏa thuận vay không được ký kết. Tiếp thu ý kiến này, Ban soạn thảo đã chỉnh lý khoản 12 Điều 4 Dự thảo Luật sửa 4 Luật để không áp dụng biện pháp bảo đảm dự thầu đối với gói thầu thực hiện đấu thầu trước nhằm hạn chế tối đa rủi ro về chi phí cho nhà thầu trong trường hợp dự án không được phê duyệt hoặc thỏa thuận vay không được ký kết.

Theo Bộ KH&ĐT, việc cho phép thực hiện một số hoạt động trước khi dự án được phê duyệt hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận vay được ký kết là cần thiết, góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu và không dẫn đến rủi ro cho chủ đầu tư, nhà thầu. Việc thực hiện đấu thầu trước theo quy định của Dự thảo Luật cũng bảo đảm khả thi, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, không dẫn đến xung đột, chồng chéo với quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo pháp luật đầu tư công, xây dựng, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro cho các nhà thầu. Lý do là khối lượng công việc, yêu cầu kỹ thuật đã được nêu rõ trong hồ sơ mời thầu, bảo đảm chỉ sau khi dự án được duyệt hoặc sau khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay thì các bên mới được triển khai thực hiện gói thầu. Các hoạt động thực hiện trước đã được nêu rõ trong hồ sơ mời thầu để các nhà thầu được biết và tự quyết định có tham dự thầu hay không. Ngoài chi phí tham dự thầu qua mạng (330.000 đồng), nhà thầu không phải thực hiện bảo lãnh dự thầu. Do vậy, trường hợp chủ đầu tư hủy thầu thì rủi ro về chi phí cho nhà thầu là không đáng kể.

Bà Phạm Thị Thuý Hà - Trưởng ban Quản lý đấu thầu thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trên thực tế, để đẩy nhanh tiến độ, EVN đã áp dụng đấu thầu trước tại một số dự án lớn. Chẳng hạn, nhờ áp dụng đấu thầu trước hơn 200 gói thầu cung cấp vật tư thiết bị và xây lắp thuộc Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Bình đến Phố Nối đã giúp Dự án về đích sau 6 tháng thi công, rút ngắn tiến độ rất nhiều so với kế hoạch.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo một ban quản lý dự án giao thông cho biết, thực tế cho thấy, trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp để phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng… trước khi dự án được phê duyệt để đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu khoảng từ 3 - 4 tháng.

Tại một cuộc họp lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa 4 Luật mới đây do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu ý kiến, cần bổ sung quy định về đấu thầu trước để cơ sở pháp luật thực hiện được rõ ràng hơn, đặc biệt phân định rõ đấu thầu trước đối với gói thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và đấu thầu trước đối với gói thầu lựa chọn nhà thầu khác. Trong báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu ý kiến này và được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý khoản 12 Điều 4 Dự thảo Luật, quy định rõ trường hợp dự án sử dụng vốn ODA mà nhà tài trợ không yêu cầu ký hợp đồng trước thì chủ đầu tư vẫn được áp dụng đấu thầu trước như đối với các dự án khác.

Bộ KH&ĐT cho biết, thực tế, nhiều nước trên thế giới, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã có quy định cho phép áp dụng đấu thầu trước đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA. Tại các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, một số nhà tài trợ song phương châu Âu (Đan Mạch, Hungary, Áo, Bỉ, Phần Lan, Tây Ban Nha…) yêu cầu phải ký kết trước hợp đồng thương mại như một điều kiện ràng buộc để đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay. Do đó, việc thông qua các quy định về đấu thầu trước rất cần thiết để tháo gỡ vướng mắc trong các hiệp định vay vốn ODA. Nếu không sẽ khó huy động được nguồn vốn từ đa số các nước châu Âu (ước tính giá trị vốn theo cam kết tại các hiệp định khung và các đề xuất dự án khoảng 550 triệu USD trong 3 - 5 năm tới).

Tin cùng chuyên mục