Hoạt động M&A toàn cầu trong năm 2018 hứa hẹn ngày càng sôi động

Tình hình bất ổn trong chính sách của các nước gia tăng thường không phải là điều kiện lý tưởng cho hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), nhất là sau khi thị trường M&A đã chứng khiến ba năm liên tiếp đạt giá trị trên 3.000 tỷ USD/năm.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: brinknews.com)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: brinknews.com)

Thế nhưng, năm 2017 chứng kiến hoạt động M&A áp sát mức cao kỷ lục và có thể năm 2018 còn diễn ra nhộn nhịp hơn thế. 

Ông Rob Kindler, người đứng đầu bộ phận M&A toàn cầu của ngân hàng Morgan Stanley, nhận định trước nhu cầu về tăng trưởng và quy mô, nhiều doanh nghiệp cảm thấy việc “án binh” chờ đợi tình hình chuyển biến sẽ rủi ro hơn là tiếp tục thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập.

Tổng giá trị các thương vụ M&A trong năm 2017 đạt 3.200 tỷ USD, tăng 15% so với mức trung bình 2.700 tỷ USD/năm của 10 năm qua, và cũng không xa mức kỷ lục 3.800 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2015. 

Bên cạnh đó, những đột phá về công nghệ cũng có thể sẽ thúc đẩy hoạt động M&A. Bà Susie Huang, người đứng đầu bộ phận M&A khu vực châu Mỹ của ngân hàng Morgan Stanley, cho rằng các công ty cần phải liên tục suy xét xem liệu họ có thể duy trì khả năng cạnh tranh hay không. Bà cho rằng gần như không một ngành nào “miễn nhiễm” với áp lực cạnh tranh xuất phát từ những đột phá công nghệ và số hóa. 

Theo nhận định của Morgan Stanley, chăm sóc y tế sẽ là lĩnh vực chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động M&A trong năm 2018. Tính riêng trong tháng 1/2018, giá trị các thương vụ M&A trong lĩnh vực này đã lên đến gần 39 tỷ USD, mức xuất phát điểm cao nhất trong hơn 10 năm qua. Trong đó hoạt động M&A đặc biệt sôi động trong ngành dược phẩm, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nỗ lực giảm tình trạng thiếu hụt doanh thu có thể xảy ra trong ngắn hạn thông qua việc đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.

Còn trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc y tế, những doanh nghiệp mới bước vào "cuộc chơi" chú trọng vào công nghệ, cũng như sự kết hợp giữa những “lão làng,” có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động M&A trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tìm cách duy trì và tăng cường vị thế cạnh tranh của mình. 

Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý nữa là xu hướng gia tăng hoạt động M&A xuyên biên giới, vốn chiếm hơn 1/3 số lượng các thương vụ M&A trong năm 2017 và chưa có dấu hiệu giảm tốc. Người đứng đầu bộ phận M&A khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của ngân hàng Morgan Stanley, ông Colm Donlon lý giải rằng các công ty muốn mở rộng hoạt động sang các châu lục khác để tăng doanh thu trong bối cảnh kinh tế trong nước tăng trưởng tương đối chậm. 

Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện vẫn tỏ ra hứng thú với những thương vụ mua bán mang tính chiến lược ở châu Âu và Bắc Mỹ, dù những trở ngại về chính trị và quy định ở các khu vực này đã phần nào làm giảm "nhiệt huyết" của họ.

Ông James Tam, người theo dõi M&A khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng chính những “cơn gió ngược” này là một trong những lý do vì sao các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hoạt động M&A xuyên biên giới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là những nơi như Đông Nam Á và Australia. 

Tất cả những xu hướng trên sẽ chi phối hoạt động M&A trong năm 2018 trong bối cảnh cả thị trường và môi trường kinh tế vĩ mô đều đang có những đổi thay./.

Tin cùng chuyên mục