Theo số liệu của Công ty Refinitiv, các doanh nghiệp đã huy động được tổng cộng 36,3 tỷ USD khi niêm yết ở sàn Hong Kong trong năm nay, cao hơn con số 28,9 tỷ USD được ghi nhận trên sàn giao dịch chứng khoán New York, và tăng 174% so với năm 2017. Đây là năm ấn tượng nhất của Hong Kong kể từ năm 2010, nhờ những thay đổi trong quy định niêm yết đã thúc đẩy nhiều công ty mới tìm đến thành phố này để được “lên sàn”.
Hong Kong là nơi diễn ra ba trên năm thương vụ IPO lớn nhất của châu Á, trong đó có thương vụ trị giá 5,4 tỷ USD của nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, 7,5 tỷ USD của nhà vận hành tháp viễn thông di động China Tower.
Tính chung trên toàn châu Á, các doanh nghiệp đã huy động được tổng cộng 109 tỷ USD trong các IPO, tăng 27% so với năm 2017, trong đó phần lớn đến từ Trung Quốc trong bối cảnh các công ty của nước này chiếm đến gần 1/3 số công ty tiến hành IPO trên toàn cầu.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán năm 2019 sẽ không duy trì được khối lượng IPO như năm nay, do những bất ổn trên thị trường khiến cho việc “lên sàn” trở nên kém hấp dẫn hơn đối với giới doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dù khối lượng IPO trong năm 2018 tăng mạnh nhưng diễn biến của các cổ phiếu này lại đi theo chiều ngược lại, trong bối cảnh các thị trường bị chao đảo bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và những bất ổn về mặt kinh tế vĩ mô.
Tại Hong Kong, nhiều cổ phiếu được niêm yết đã giảm giá mạnh, xuống thấp hơn cả mức giá của chúng ở thời điểm IPO.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp muốn “lên sàn” đang bắt đầu có xu hướng tìm đến New York như một điểm đến thay thế, vì ở đây vẫn có các nhà đầu tư am hiểu hơn cũng như chính sách định giá linh hoạt hơn, dù Hong Kong vẫn là lựa chọn dễ hiểu đối với các công ty Trung Quốc.