Kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Trung nhìn từ hai chiều tuyên bố

Mỹ-Trung kết thúc vòng đàm phán với thái độ lạc quan đã "tiếp sức" cho thị trường tài chính toàn cầu...
Việc Mỹ thúc đẩy các biện pháp thực thi và kiểm chứng cho thấy thách thức lớn trong việc đạt một thỏa thuận bền vững với Trung Quốc - Minh họa: Industry Week.
Việc Mỹ thúc đẩy các biện pháp thực thi và kiểm chứng cho thấy thách thức lớn trong việc đạt một thỏa thuận bền vững với Trung Quốc - Minh họa: Industry Week.

Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra trong 3 ngày tại Bắc Kinh đã kết thúc vào ngày 9/1, với một thông tin cụ thể nhất là cam kết của Trung Quốc sẽ mua thêm hàng hóa Mỹ.

Theo tin từ Bloomberg, một tuyên bố được Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đưa ra sau đàm phán nói rằng Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ tăng mua hàng nông sản, năng lượng, các sản phẩm chế biến - chế tạo, và dịch vụ của Mỹ.

Tuyên bố của USTR nói Mỹ muốn bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa hai nước, nếu có, sẽ phải bao gồm các biện pháp thực thi và kiểm chứng. 

Tuyên bố cũng nói Chính phủ Mỹ sẽ quyết định các bước đi tiếp theo sau khi các quan chức đàm phán trở về Washington và báo cáo lên Tổng thống.

Về phần mình, Trung Quốc nói rằng các cuộc họp vừa diễn ra với Mỹ "có chiều rộng, chiều sâu và đi vào chi tiết", đặt nền móng cho việc tìm giải pháp cho xung đột thương mại giữa hai nước.

Bộ Thương mại Trung Quốc sáng 10/1 nói hai nước "đã thực thi sự đồng thuận" đạt được trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Trump tại Argentina hồi tháng 12. 

Tuyên bố của phía Trung Quốc cũng nói vòng đàm phán vừa rồi đã thảo luận cả các vấn đề về thương mại và cơ cấu.

Mỹ-Trung kết thúc vòng đàm phán với thái độ lạc quan đã "tiếp sức" cho thị trường tài chính toàn cầu. Trong đó, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ tăng liền 4 phiên và đạt mức cao nhất trong gần 1 tháng.

Tuy nhiên, việc Mỹ thúc đẩy các biện pháp thực thi và kiểm chứng cho thấy thách thức lớn trong việc đạt một thỏa thuận bền vững với Trung Quốc. 

Ông Trump và các quan chức Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc "nói lời không giữ lấy lời", bao gồm cam kết về nhanh chóng mở rộng cửa nền kinh tế cho thương mại và dầu tư nước ngoài sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.

Trong thỏa thuận "đình chiến" thương mại kéo dài 90 ngày mà ông Trump và ông Tập nhất trí, các nhà đàm phán thương mại của hai nước sẽ có thời gian đến ngày 1/3 để đạt một thỏa thuận về "những thay đổi cơ cấu" trong nền kinh tế Trung Quốc về những vấn đề gai góc như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và hàng rào phi thuế quan. 

Giới quan sát cho rằng thời gian như vậy là quá ngắn và gấp gáp để đạt được những thay đổi trong mô hình kinh tế của Trung Quốc.

Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, một tổ chức đại diện các công ty Mỹ tại Trung Quốc, hoan nghênh kết quả vòng đàm phán vừa rồi, nhưng nhấn mạnh rằng hai bên cần đi vào chi tiết cụ thể hơn.

Nguồn thạo tin tiết lộ rằng, Mỹ và Trung Quốc đã xích lại gần hơn trong những vấn đề như năng lượng và nông sản, nhưng vẫn còn bất đồng lớn trong những vấn đề lớn hơn.

Vòng đàm phán cấp thứ trưởng này là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của quan chức Mỹ-Trung kể từ cuộc gặp thượng đỉnh tháng 12 của lãnh đạo hai nước. Trung Quốc đã có một số động thái nhượng bộ Mỹ, bao gồm tạm thời dỡ thuế quan trả đũa áp lên xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, nối lại nhập khẩu đậu tương Mỹ, hứa sẽ mở rộng cửa hơn cho đầu tư nước ngoài, và soạn thảo một dự luật về ngăn chặn ép buộc chuyển giao công nghệ.

Nguồn thạo tin cũng nói với Bloomberg rằng ông Trump đang rất muốn đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc để hỗ trợ thị trường chứng khoán Mỹ. Bắc Kinh cũng có động lực để đi đến một thỏa thuận với Washington, bởi nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nhanh và thị trường chứng khoán nước này cũng đã giảm sâu trong năm 2018.

Tin cùng chuyên mục