Thực tế triển khai dự án cho thấy, năng lực của không ít nhà thầu không được “đẹp” như trên hồ sơ. Ảnh: Lê Tiên |
Kinh nghiệm đánh giá từ quốc tế
Theo ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), tại nhiều quốc gia trên thế giới (như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore…), năng lực nhà thầu được phân chia theo các nhóm xếp hạng làm cơ sở cho việc lựa chọn nhà thầu phù hợp với quy mô gói thầu, tính chất dự án.
Đơn cử, ở Trung Quốc, năng lực nhà thầu được phân chia theo 4 nhóm, gồm: nhà thầu làm tổng thầu; thầu chính; thầu chuyên theo lĩnh vực (hay còn gọi là nhà thầu chuyên môn) và thầu theo công việc (thầu lao vụ xây dựng). Trong mỗi nhóm năng lực, việc xếp hạng nhà thầu còn được chia theo nhiều bậc. Cách phân chia này được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhờ đó, tính đến năm 2012, 50 nhà thầu Trung Quốc đã lọt vào top 225 nhà thầu thế giới.
Ở Nhật Bản, quốc gia này chỉ xem xét năng lực nhà thầu trên cơ sở “thành tích” (hay còn gọi là kết quả thực tế) thực hiện công tác xây dựng và tư vấn. Việc xem xét “thành tích” của nhà thầu sẽ dựa trên các thông tin về doanh nghiệp, nhân viên kỹ thuật, dữ liệu công trình, dữ liệu hợp đồng… Nhật Bản đã đưa Hệ thống thông tin về thành tích đã đạt được trong xây dựng và tư vấn kỹ thuật vận hành trên mạng Internet từ tháng 10/1994 để các tổ chức, cá nhân, kể cả cơ quan nhà nước, tổ chức công ích, nhà thầu xây dựng, tư vấn… đăng ký tham gia và chia sẻ thông tin theo cơ chế đóng phí.
Khắc phục tình trạng “tự làm đẹp hồ sơ”
Đại diện Tổng công ty Lương thực miền Nam cho rằng, việc đánh giá năng lực nhà thầu hiện tại chủ yếu dựa vào hồ sơ năng lực do nhà thầu cung cấp. Do đó, hầu hết các nhà thầu đều đạt năng lực so với hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế triển khai dự án cho thấy, năng lực của một số nhà thầu không được “đẹp” như trên hồ sơ.
Ông Dương Văn Cận cho rằng, việc đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu trong hoạt động xây dựng là việc làm cần thiết giúp minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu, giúp dự án tìm được nhà thầu có năng lực phù hợp, tránh tình trạng “thông thầu” hay “làm đẹp hồ sơ”.
Có rất nhiều tiêu chí đánh giá năng lực – cơ sở để xếp hạng nhà thầu trong hoạt động xây dựng. Ở góc nhìn của mình, ông Cận cho rằng, cần phân loại nhà thầu, phân chia cấp bậc năng lực, xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực cụ thể.
Trên thực tế, có rất nhiều quan điểm về lựa chọn các tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu. Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì số lượng tiêu chí đánh giá cạnh tranh càng nhiều thì càng có khả năng đánh giá đúng năng lực cạnh tranh của DN. Theo đó, tiêu chí đánh giá sẽ có 4 nhóm (tài chính, lao động, kỹ thuật và công nghệ); mỗi nhóm tiêu chí bao gồm nhiều chỉ tiêu khác nhau.
Song, ông Cận bày tỏ quan điểm, trong điều kiện hiện tại, việc đánh giá số lượng nhà thầu trên phạm vi cả nước theo 4 nhóm tiêu chí trên rất khó thực hiện. Ông Cận đề xuất, ở giai đoạn đầu tiên nên chọn các tiêu chí phù hợp với các tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu hiện hành. Theo đó, ông Cận đề xuất 4 tiêu chí để đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu là: doanh thu bình quân năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; số lượng các hợp đồng đã hoàn thành trong 5 năm gần nhất; năng lực nhân sự chủ chốt; tài liệu chứng minh về “hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ”.