Không chỉ hàng nhái, người dùng Trung Quốc còn đối mặt ứng dụng mua sắm giả

Những ứng dụng giả mạo có thể đánh cắp mật khẩu tài khoản, thông tin ngân hàng, phát tán virus hay đơn giản là lừa người dùng để lấy tiền của họ...
Trung Quốc đang tràn lan các ứng dụng mua sắm giả mạo.
Trung Quốc đang tràn lan các ứng dụng mua sắm giả mạo.

Không chỉ gặp phải tình trạng mua phải hàng chất lượng kém, không giống đăng tải trên mạng, người dùng Trung Quốc giờ đây còn đối mặt tình trạng mua hàng qua ứng dụng giả mạo với những hậu quả lớn hơn nhiều, tờ Tech In Asia dẫn một báo cáo cho biết.

Trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới Singles' Day (Ngày Độc thân) - do hãng thương mại điện tử Alibaba khởi xướng vào năm 2009, công ty an ninh mạng Trung Quốc 360 Security Brain phát hiện trong tháng qua đã có gần 4.000 ứng dụng mua sắm giả mạo được tải về hơn 30.000 thiết bị di động tại Trung Quốc. 

Cũng giống như đồ nhái thương hiệu Gucci hay Armani, các ứng dụng giả mạo ứng dụng mua sắm phổ biến tại Trung Quốc như Taobao, Pinduoduo, và JD đang mọc lên như nấm ở nước này. Ví dụ, một ứng dụng giả Taobao đã được tải về và cài vào hơn 170.000 điện thoại, theo Báo cáo Hệ sinh thái An ninh Mua sắm Trực tuyến Double 11 năm 2018.

Các ứng dụng giả mạo có giao diện và tên gọi hệt ứng dụng gốc. Nguồn gốc của chúng thường ít được biết đến nhưng mối nguy hiểm thì tương đương với những trang web giả mạo. Những ứng dụng này có thể đánh cắp mật khẩu tài khoản, thông tin ngân hàng, phát tán virus hay đơn giản là lừa người dùng để lấy tiền của họ. 

Ứng dụng giả không phải là điều mới mẻ tại Trung Quốc. Chỉ trong tháng 8 vừa rồi, Apple đã xóa bỏ khỏi App Store của mình tại Trung Quốc hơn 25.000 ứng dụng giả, trong đó có nhiều ứng dụng đánh bạc và xổ số (đánh bạc là hoạt động phi pháp tại Trung Quốc). 

360 Security Brain cũng báo cáo nhiều hoạt động phạm pháp khác liên quan tới sự kiện mua sắm Singles' Day. Một trong số đó là những kẻ lừa đảo gọi điện cho người mua hàng để thông báo hoàn lại tiền vì thiếu hàng hoặc thất lạc khi giao vận. Sau đó, chúng hướng dẫn họ thao tác hoàn tiền trên các trang web giả. Một số kẻ thậm chí còn lập ra các trang web mua sắm giả để thu thập thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng. 

Trong tháng 9 và tháng 10 năm nay, đã có 127 trường hợp được báo cáo, gây thiệt hại khoảng 1,15 triệu Nhân dân tệ (166.000 USD), theo dữ liệu thu thập được của 360 Hunet và cơ quan an ninh mạng của cảnh sát Bắc Kinh. 

Tin cùng chuyên mục