Kinh tế Trung Quốc giảm tốc đang ảnh hưởng đến toàn châu Á

Nền kinh tế giảm tốc của Trung Quốc đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ phần còn lại của châu Á...
Những container hàng hóa đang được dỡ xuống từ tàu chở hàng ở một bến cảng thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh: Getty/Fortune.
Những container hàng hóa đang được dỡ xuống từ tàu chở hàng ở một bến cảng thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh: Getty/Fortune.

Nền kinh tế giảm tốc của Trung Quốc đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ phần còn lại của châu Á, và những tác động tiêu cực được dự báo sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Theo hãng tin Bloomberg, từ Hồng Kông tới Nhật Bản, thống kê xuất khẩu tháng 12 đều cho thấy sự giảm tốc mạnh do gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu mà dẫn đầu là Trung Quốc.

Giới phân tích dự báo rằng kinh tế châu Á sẽ đón thêm nhiều tin xấu trong tháng 1. Các chỉ số do Bloomberg Economics thực hiện cho thấy kinh tế Trung Quốc giảm tốc sâu hơn trong tháng đầu tiên của năm 2019. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc dự kiến công bố vào ngày thứ Năm có thể cho thấy sản lượng của các nhà máy ở nước này giảm sâu hơn.

Vào ngày thứ Sáu, chỉ số Nikkei PMI của 7 vùng trên nước Nhật sẽ được công bố. Trong đó, PMI của 4 vùng đã ở trong trạng thái giảm hoặc chỉ còn cách trạng thái giảm chưa đầy nửa điểm.

Một cuộc khảo sát kinh doanh khác công bố ngày thứ Tư cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 1 thập niên.

Cú giảm mạnh hơn dự kiến của xuất khẩu Hồng Kông là bằng chứng rõ ràng cho thấy nhu cầu đang yếu đi trên diện rộng ở châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc đại lục.

Singapore, một trong những nền kinh tế có mức độ phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu ở châu Á, chứng kiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất 2 năm trong tháng 12.

Xuất khẩu của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, cũng giảm mạnh nhất kể từ giữa 2017.

Tuần trước, cả Hàn Quốc và Đài Loan cùng đưa ra dữ liệu u ám về xuất khẩu. Tiếp đó là Nhật Bản công bố thống kê xuất khẩu giảm lần thứ hai trong vòng 4 tháng. Xuất khẩu tháng 1 của Việt Nam, quốc gia có kim ngạch thương mại lớn gấp hai lần tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong 5 năm.

Trong năm 2018, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,6%, mức tăng yếu nhất kể từ thập niên 1990. Là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, Trung Quốc đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ngoài nguyên nhân kinh tế Trung Quốc giảm tốc, xuất khẩu của khu vực châu Á còn đang chịu tác động bởi tình trạng chững lại của ngành công nghệ - lĩnh vực đã giữ vai trò trụ cột đối với kinh tế Đài Loan và Singpore trong nhiều năm.

Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence nói rằng nhiều dữ liệu kinh tế cho thấy tình hình đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Những chuyến tàu biển chở ít hàng hóa hơn là một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm của các hoạt động kinh tế, có thể đồng nghĩa với sự giảm tốc mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp toàn cầu.

Các tập đoàn lớn từ Apple tới Caterpillar đều đang cảm nhận rõ ảnh hưởng, thể hiện qua báo cáo kinh doanh đi xuống và các dự báo bị cắt giảm. Hôm thứ Hai, nhà sản xuất thiết bị nặng Caterpillar báo mức lợi nhuận quý giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ. Hãng chế tạo con chip Nvidia thì nói rằng kinh tế Trung Quốc giảm tốc là lý do chính dẫn tới nhu cầu đối với các sản phẩm của hãng suy giảm.

Trong số 10 chỉ số quan trọng về thương mại toàn cầu của Bloomberg, hiện đang có 2 chỉ số đang giảm sâu và hai chỉ số khác đang chuẩn bị rơi vào trạng thái giảm.

Các chỉ số của bên thứ ba cũng cho thấy những tín hiệu đang ngại về xuất khẩu toàn cầu. Một chỉ số xuất khẩu của khu vực châu Á do Nomura Holdings thực hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016.

Tin cùng chuyên mục