Lăng kính đấu thầu ngày 20/9/2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong tuần qua, do thương thảo không thành công, nhiều gói thầu bị hủy thầu và dự kiến được mời thầu lại trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một gói thầu mua sắm tại Phú Yên bị phản ánh chưa bảo đảm cạnh tranh khi nêu đích danh thương hiệu hàng hóa trong hồ sơ mời thầu.

Hủy thầu do thương thảo không thành

Chi nhánh Tổng công ty Điện lực TP.HCM - Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối TP.HCM vừa phê duyệt quyết định hủy thầu Gói thầu số 15-2022 Mua sắm tủ điện 24 kV cho các trạm ngắt Tu Viện và các khu nhà ở Cát Lái thuộc Kế hoạch Mua sắm vật tư thiết bị tập trung năm 2022 (hiệu chỉnh đợt 3). Gói thầu có giá dự toán 18,216 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi qua mạng với sự tham dự của 2 nhà thầu, tuy nhiên giá dự thầu đều vượt giá gói thầu. Cụ thể, Công ty TNHH ELECO Việt Nam chào giá 24,303 tỷ đồng; Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế xây dựng điện Thành Đạt đề xuất giá dự thầu 22,126 tỷ đồng. Bên mời thầu đã áp dụng xử lý tình huống trong đấu thầu theo quy định tại Điểm c, Khoản 8, Điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, cho phép nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất là Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế xây dựng điện Thành Đạt được chào lại giá. Tuy nhiên, giá sau khi đàm phán lại vẫn cao hơn giá dự toán và cao hơn chi phí dự phòng cho phép của Dự án (5%).

Kho bạc Nhà nước Bà Rịa - Vũng Tàu vừa quyết định hủy thầu Gói thầu Sửa chữa hệ thống chống sét lan truyền thuộc Kế hoạch Sửa chữa tài sản năm 2022. Nguyên nhân là nhà thầu duy nhất tham dự - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Đông Đại Thành - không chứng minh được năng lực, kinh nghiệm trong bước thương thảo hợp đồng.

Định vị thương hiệu, hạn chế nhà thầu?

Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu 01TB Cung cấp thiết bị dạy học trực tuyến thuộc Kế hoạch Mua sắm thiết bị dạy học trực tuyến tại trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Phú Yên (giá dự toán 20,365 tỷ đồng).

Theo phản ánh của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ công nghệ thông tin NT (địa chỉ tại Khánh Hòa), tại yêu cầu về kỹ thuật đối với sản phẩm máy tính xách tay, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu nhà thầu tham dự đề xuất thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn: 1. Support NumberPad; 2. Screen-to-body ratio > 84%. Theo Nhà thầu, đây đều là các thông số kỹ thuật đặc thù hướng đến sản phẩm độc quyền của thương hiệu ASUS. Do vậy, Nhà thầu cho rằng, việc HSMT định vị thương hiệu, xuất xứ hàng hóa mà không thêm cụm từ “hoặc tương đương” là tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng giữa các thương hiệu tương đương, giữa các nhà thầu.

Làm rõ phản ánh của Nhà thầu, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên cho rằng, thông số kỹ thuật trong HSMT đã mô tả chi tiết, theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế, tiêu chuẩn công nghệ, do đó HSMT không sử dụng cụm từ “hoặc tương tương”. Đối với tiêu chuẩn thiết bị Screen-to-body ratio ≥ 84%, ngoài ASUS còn có các hãng Lenovo, Huawei có thể đáp ứng. Do đó, đây không phải điều kiện hạn chế nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục