Lên xuống chóng mặt, Bitcoin vẫn là tài sản lãi “khủng” nhất thập kỷ

Thập niên 2010 đang dần khép lại, và Bitcoin đã được xác định là kênh đầu tư mang lại mức lãi “khủng” nhất trong 10 năm qua...
Giá Bitcoin đạt đỉnh cao lịch sử gần 20.000 USD vào cuối năm 2017.
Giá Bitcoin đạt đỉnh cao lịch sử gần 20.000 USD vào cuối năm 2017.

Thập niên 2010 đang dần khép lại, và Bitcoin đã được xác định là kênh đầu tư mang lại mức lãi "khủng" nhất trong 10 năm qua, bất chấp sự biến động mạnh hơn bất kỳ tài sản nào khác.

Trang CNN Business dẫn một báo cáo mới đây từ Bank of America Securities cho biết nếu rót 1 USD mua Bitcoin vào đầu thập niên này, thì khoản đầu tư đó hiện có giá trị hơn 90.000 USD.

Giá Bitcoin hiện vào khoảng 7.000 USD. Mức giá này thấp hơn nhiều so với đỉnh cao lịch sử gần 20.000 USD thiết lập cách đây 2 năm, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá chỉ một phần mấy của một xu Mỹ (cent, 1 USD bằng 100 cent) mỗi đồng Bitcoin hồi đầu những năm 2010.

Bitcoin vẫn là một kênh đầu tư có mức độ rủi ro cực lớn, nhưng trong thập kỷ qua, giá Bitcoin đã tăng như vũ bão khi Bitcoin nổi lên thành đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất thế giới. Nhiều nhà bán lẻ hiện đã chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán, một số công ty đầu tư và sàn giao dịch đã mở dịch vụ giao dịch Bitcoin tương lai…

Dù cơn sốt tiền ảo đã lắng xuống gần đây, blockchain (chuỗi khối) - công nghệ hậu thuẫn tiền ảo - được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ đến lúc giữ một vị thế quan trọng trong hệ thống tài chính và các hoạt động khác trong đời sống trên phạm vi toàn cầu trong tương lai không xa.

Đồng Kyat Myanmar, chứng khoán Hy Lạp

Trái ngược với mức lãi ấn tượng mà Bitcoin mang lại, đồng Kyat của Myanmar chính là tài sản gây thua lỗ nhiều nhất cho nhà đầu tư trong thập niên này, theo Bank of America Securities. Biến động chính trị ở Myanmar là một phần nguyên nhân dẫn đến thua lỗ đó.

1 USD dùng để mua đồng Kyat vào đầu thập niên ở thời điểm hiện tại chỉ tương đương khoảng 1/10 của 1 cent.

Đầu tư vào chứng khoán Hy Lạp cũng là một khoản đầu tư tồi của thập niên 2010, bởi quốc gia vùng Địa Trung Hải này phải trải qua một cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ. Ước tính của Bank of America Securities cho thấy 1 USD đầu tư vào thị trường chứng khoán Hy Lạp vào năm 2010 hiện chỉ tương đương 7 cent.

Trái lại, chứng khoán Mỹ chính là thị trường chứng khoán tốt nhất thế giới của thập kỷ này. 1 USD rót vào chứng khoán Mỹ vào đầu thập kỷ hiện có trị giá 3,46 USD, tương đương mức tăng gần 250%.

Trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng và dầu

Trái phiếu kho bạc Mỹ cũng là trái phiếu chính phủ tốt nhất thế giới trong thập niên. 1 USD dùng để mua trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm vào năm 2010 hiện có trị giá 2,08 USD.

Trong khi đó, trái phiếu Thổ Nhĩ Kỳ là trái phiếu tệ nhất thập kỷ. 1 USD mua trái phiếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm 2010 hiện có trị giá 61 cent.

Lãi suất âm phổ biến trên toàn cầu trong thập kỷ qua giúp vàng tăng giá, nhưng dầu thì không.

Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhiều ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất xuống dưới ngưỡng 0. Vì lý do này, theo Bank of America Securities, trong năm 2019 đã có 17 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ trên toàn cầu mang lại lợi suất âm. Vào năm 2010, không có trái phiếu nào trên thế giới mang lợi suất âm.

Lãi suất giảm sâu khiến giới đầu tư đổ xô mua vàng, khiến kim loại quý này trở thành hàng hóa cơ bản được ưa chuộng nhất trong thập niên 2010. 1 USD mua vàng vào năm 2010 giờ có trị giá 1,34 USD.

Ngược lại, dầu thô là hàng hóa tệ nhất. 1 USD mua dầu vào đầu 2010 hiện chỉ có giá trị 74 cent.

Giá dầu giảm trong thập kỷ qua một phần do nhu cầu tăng yếu, một phần do nguồn cung dầu đá phiến tăng bùng nổ của Mỹ. Vì lý do này, cổ phiếu năng lượng là một trong những nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong chỉ số S&P 500 trong thập kỷ qua.

Nói về các ngân hàng trung ương, có vẻ như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất khá nhiều lần trong thập kỷ qua, nhưng "chưa là gì" nếu so với Ngân hàng Trung ương Brazil. Trong vòng 10 năm, Brazil đã có 25 lần giảm và 24 lần tăng lãi suất.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là ngân hàng trung ương im ắng nhất thế giới trong thập kỷ này, với chỉ duy nhất một lần giảm lãi suất trong 10 năm, đưa lãi suất về ngưỡng âm, vào năm 2016.

Tin cùng chuyên mục