Hạn chế cơ hội của DN
Theo NHNN, trên cơ sở quy định tại Điều 466, 468 Bộ Luật Dân sự 2015 và quy định tại Điều 91 Luật các TCTD 2010, kế thừa quy định về lãi suất cho vay tại Thông tư 12/2010 và Thông tư 08/2014 của NHNN, Thông tư 39/2017 cho phép TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.
Như vậy, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thuộc các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh doanh hàng xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng công nghệ cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là quy định phù hợp với xu hướng quản lý thị trường tiền tệ thông qua các công cụ chính sách, hướng tới cơ chế thị trường, bớt đi biện pháp hành chính. Theo đó, lãi suất cần phải được vận hành theo kinh tế thị trường và được đánh giá theo cung cầu của thị trường, thay vì tiếp tục khống chế lãi suất gây méo mó thị trường và chệch quỹ đạo cung cầu.
Tổng giám đốc một công ty chế biến gỗ cho biết quy định này tạo sự bình đẳng trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Việc thỏa thuận lãi suất sẽ có lợi đối với DN lớn, DN có lịch sử tín dụng tốt, uy tín cao hoặc có phương án kinh doanh tốt và tài sản đảm bảo cao khi tiếp cận vốn NH.
Song những DN nhỏ, không có hậu thuẫn, không có mối quan hệ thân thiết với NH sẽ buộc phải chấp nhận lãi suất NH đưa ra. Do đó, nhóm DN này lo ngại khi áp dụng lãi suất thỏa thuận, các món vay trung và dài hạn sẽ phải chịu lãi suất cao hơn hiện tại. Điều này có cơ sở khi giảm lãi suất được xem là mục tiêu thách thức trong năm 2017 của NHNN, đồng thời mới 2 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng nhẹ so với cuối năm 2016.
Cụ thể, VPBank, DongA Bank, TPBank, OCB, Eximbank đã tăng lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn ngắn 0,1-1,2%. Bên cạnh đó, từ 1-1-2017, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn quy định là 50%, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ này của toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 35%, một số TCTD vượt quá quy định này của NHNN. Do đó, NHTM sẽ phải cạnh tranh huy động để đáp ứng quy định về an toàn, dự báo sẽ có tác động đến lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay.
Theo ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho DN nhưng hầu hết phải vay vốn với lãi suất bình quân 10%/năm, số DN vay được lãi suất 4-5%/năm rất ít. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết bên cạnh lãi suất vay vốn 7-10%/năm, các DN còn phải gánh thêm các chi phí như phí vận chuyển, chi phí nhiên liệu do tình trạng kẹt xe…
Về phía các DN, hầu hết đều nhận định dù lãi suất đã giảm rất nhiều so với khoảng 3-4 năm trước nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM, cho rằng trong bối cảnh hội nhập nếu không cải cách mạnh mẽ về thể chế, lãi suất ổn định hoặc giảm thêm, các DN trong ngành nói riêng và DN nội nói chung sẽ rất khó trụ vững.
Liên quan lãi suất, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), nhận định hiện nay NHNN đang kham rất nhiều việc. Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, mục tiêu lạm phát dưới 4% trong khi áp lực lên lạm phát hiện nay rất cao, không chỉ ở ngoài nước mà cả trong nước do điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục.
Trong 2 tháng đầu năm lạm phát đều trên 5%, muốn duy trì lạm phát dưới 4% phải có ít nhất 2 tháng lạm phát dưới 3%, trong khi xu hướng chung là lạm phát gia tăng nên mục tiêu này rất thách thức. Thứ hai, kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp và khó lường và NHNN là tuyến đầu thực hiện chính sách chống đỡ bất ổn từ bên ngoài. Yêu cầu đặt ra cho NHNN phải giảm lạm phát, ổn định tỷ giá nhưng đồng thời phải giảm lãi suất. Do đó, giảm lãi suất là một mục tiêu rất thách thức đối với NHNN.
Trong bối cảnh như vậy, một chuyên gia tài chính cho rằng khi áp dụng cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận, NHNN cần có thêm giải pháp hỗ trợ để lãi suất cho vay được duy trì ở mức hợp lý. Bởi hiện nay sức ép cạnh tranh trong và ngoài nước dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn của DN không còn nhiều.
Vì thế, nếu lãi suất tăng thêm DN sẽ khó chịu nổi. Về cơ bản, khi cho vay vẫn theo nguyên tắc rủi ro thấp lãi suất thấp, rủi ro cao lãi suất cao, nhưng NHNN cũng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng chênh lệch lãi suất cho vay giữa các DN quá cao, gây mất công bằng khi tiếp cận tín dụng. Bên cạnh vấn đề lãi suất, các NH cũng cần tăng cường năng lực thẩm định cũng như tham gia tư vấn đầu tư để hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín chấp thay vì chỉ tập trung vào cho vay tín chấp làm cho DN mất đi cơ hội kinh doanh.