Mark Zuckerberg - người đồng sáng lập, CEO của Facebook - Ảnh: AFP/Getty Images. |
Người đồng sáng lập, CEO của Facebook - Mark Zuckerberg nói rằng nếu không có quyền kiểm soát hoàn toàn mạng xã hội này thì ông đã bị sa thải từ lâu.
"Một trong điều may mắn của tôi khi xây dựng công ty này (Facebook) là tôi có quyền biểu quyết hoàn toàn đối với công ty, và đây là điều mà tôi chú trọng từ những ngày đầu. Điều này rất quan trọng bởi vì nếu không được như vậy, tôi đã có thể bị sa thải ở nhiều thời điểm", CEO 35 tuổi chia sẻ trong một đoạn băng ghi âm cuộc họp nội bộ của Facebook được đăng tải trên trang The Verge. Đoạn băng này ghi lại cuộc họp trong hai giờ đồng hồ vào hồi tháng 7 giữa Zuckerberg và các nhân viên Facebook.
Những quyết định đi ngược số đông
Zuckerberg cũng nói rằng nếu ông không có quyền lực đặc biệt như vậy, Facebook có thể sẽ không trở thành một gã khổng lồ như hiện nay.
"Có nhiều quan ngại khi không ít người cho rằng công ty chúng ta có quyền lực quá lớn và cũng như quyền biểu quyết của tôi với các quyết định của công ty", Zuckerberg nói. "Nhưng việc quyền lực tập trung ở một người là điều có giá trị".
Để chứng minh cho quan điểm này, Zuckerberg đề cập tới hai quyết định không được nhiều người biết đến của ông đã thành công khi mang lại lợi ích công ty.
Đầu tiên là vào năm 2006, khi Yahoo muốn mua lại Facebook. Khi đó, Zuckerberg đã từ chối dù hầu hết những người khác trong Facebook muốn thực hiện thương vụ này.
"Yahoo đến với một đề nghị trị giá hàng tỷ USD, có thể hoàn thành giấc mơ tài chính của tất cả mọi người trong công ty. Và khi đó, tôi nói theo kiểu 'chúng ta không nên chấp nhận đề nghị này', còn những người khác thì thảng thốt hỏi lại: 'cái gì?'".
"Thời điểm đó, Facebook có 10 triệu người dùng, còn Myspace có 100 triệu người và đang phát triển nhanh chóng", Zuckerberg cho biết trong đoạn băng. "Và nếu tin vào các luận điểm của 'hiệu ứng mạng' (network effect), các bạn sẽ thấy rằng chúng ta chẳng có hội nào để cạnh tranh". ("Hiệu ứng mạng" là khái niệm mà trong đó một nền tảng hoặc một sản phẩm trở nên tốt hơn và giá trị hơn với người dùng khi công ty lớn hơn, theo hãng đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz.)
"Năm 2006, khi Yahoo muốn mua công ty của chúng ta, tôi có thể đã bị sa thải và chúng ta có thể đã bán công ty. Nếu tôi không có quyền quyết định, chúng ta thậm chí không thể ngồi ở đây như thế này ngày hôm nay", Zuckerberg nói.
Quyết định thứ hai được ông chủ Facebook đề cập đến là vào năm 2018, khi mạng xã hội này có nhiều thay đổi, trong đó có thay đổi trong thuật toán để xác định cái gì sẽ xuất hiện trên bảng tin của người dùng. Thay đổi này ưu tiên các đăng tải của bạn bè và gia đình, thay vì các video đang lan truyền trên mạng, nhằm giúp người dùng có những "tương tác xã hội ý nghĩa hơn" và có trải nghiệm tốt hơn trên nền tảng mạng xã hội này, theo một đăng tải của Zuckerberg về thay đổi đó vào tháng 1/2018.
Zuckerberg cho biết ông không thể ra quyết định đó nếu không được quyền kiểm soát hoàn toàn công ty, bởi những thay đổi đó sẽ làm giảm thời gian người dùng sử dụng Facebook và giảm sự tham gia của họ vào nền tảng.
"Chúng ta đã đưa ra một loạt thay đổi, bao gồm thay đổi làm mất khoảng 50 triệu giờ xem mỗi ngày của các video có tính lan tỏa cao. Vì điều này và nhiều lý do khác, báo cáo kết quả kinh doanh quý kế tiếp đó cho thấy chúng ta đã mất hơn 100 tỷ USD vốn hóa trong một ngày, và đây là trưởng hợp sụt giá trị vốn hóa lớn nhất của bất kỳ công ty nào trong lịch sử, ít nhất là ở Mỹ", Zuckerberg nói trong đoạn băng.
"Vì vậy, đây thực sự là vấn đề lớn. Và một lần nữa, liệu tôi có thể làm vậy nếu không có quyền kiểm soát công ty? Tôi không chắc. Có thể tôi sẽ bị sa thải… Trong dài hạn, những quyết định đúng đắn sẽ mang lại lợi nhuận", ông chủ Facebook chia sẻ. (Vốn hóa của Facebook đã sụt hơn 100 tỷ USD trong một phiên giao dịch vào tháng 7/2018).
Quyền lực tuyệt đối là "thứ nguy hiểm"?
Tuy nhiên, một người đồng sáng lập khác của Facebook gọi quyền lực tuyệt đối của Zuckerberg là "thứ nguy hiểm".
"Sự cảm tính khiến quyền lực không bị kiểm soát của ông ấy (Zuckerberg) trở thành vấn đề", Chris Hughes, người đồng sáng lập, người phát ngôn của Facebook, viết trong một đăng tải trên tờ The New York Times hồi tháng 5. "Tầm ảnh hưởng của Mark là rất lớn, hơn rất nhiều so với lãnh đạo của bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào hay trong chính phủ. Ông ấy kiểm soát ba nền tảng truyền thông cốt lõi gồm Facebook, Instagram và WhatsApp - với hàng tỷ người dùng mỗi ngày. Hội đồng quản trị của Facebook hoạt động giống như một hội cố vấn hơn là những người giám sát, bởi Mark nắm giữ khoảng 60% cổ phần có quyền biểu quyết".
Theo Hughes, vì Zuckerberg nắm giữ phần lớn cổ phần có quyền biểu quyết, ông có quyền quyết định cách thức vận hành của Facebook và điều này ảnh hưởng tới hàng tỷ người trên khắp thế giới. Hiện tại, có khoảng 2,7 tỷ người sử dụng ít nhất một trong số các nền tảng của Facebook gồm Facebook, Instagram, WhatsApp, và Messenger mỗi tháng.
"Hiện tại, Mark có thể tự quyết định các thuật toán về nội dung hiển thị trên bảng tin của người dùng, các cài đặt riêng tư mà họ có thể sử dụng và thậm chí cả những tin nhắn có thể được gửi đi", Hughes viết. "Ông ấy thiết lập quy tắc về cách phân biệt các phát ngôn bạo lực, gây kích động với các phát ngôn xúc phạm đơn thuần, và ông ấy cũng quyết định 'thôn tính' đối thủ bằng việc mua lại, ngăn chặn hoặc sao chép".
Phản ứng lại đăng tải này, Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách truyền thông và các vấn đề toàn cầu của Facebook, đã gửi một thông cáo tới tờ The New York Times, trong đó nói rằng: "Facebook đồng ý rằng thành công đi liền với trách nhiệm. Nhưng không nên thực thi trách nhiệm bằng việc kêu gọi sự chia rẽ của một công ty Mỹ thành công".
Theo nội dung trong đoạn băng nói trên, Zuckerberg cho biết sẽ tiếp tục đấu tranh để giữ quyền kiểm soát mà ông cho là điều tốt đối với công ty.