![]() |
Việc cho phép các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế tự quyết định việc mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thuốc sẽ giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh của hệ thống bệnh viện công lập. Ảnh: Lê Tiên |
Quy định này được nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia y tế đánh giá cao trong bối cảnh các bệnh viện công lập dần chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính.
Thảo luận tại Tổ 7 mới đây, GS. TS. Phạm Như Hiệp (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, ngành y đấu thầu rất nhiều và rất phức tạp, từ vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị y tế cho đến thuốc. Đấu thầu rộng rãi là một biện pháp tương đối hiệu quả, cơ bản đáp ứng được phần cung ứng thuốc cho các bệnh viện. Tuy nhiên, các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp khó khăn trong việc mua sắm những loại thuốc biệt dược, thiết bị chuyên dụng. “Đối với thuốc đặc biệt hoặc chỉ có một nhà cung cấp, hay các thiết bị y tế chỉ có một nhà cung cấp thì cần phải có cơ chế đàm phán, chỉ định, chứ không thể nào đưa vào đấu thầu được”, ông Hiệp khuyến nghị.
Chia sẻ với phóng viên, Trưởng phòng Vật tư Thiết bị của một bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc mua thiết bị y tế công nghệ cao. Chẳng hạn, bệnh viện muốn mua một hệ thống chụp CT tân tiến nhất hiện nay, nhưng khi xây dựng cấu hình lại vướng quy định “không được hạn chế sự tham gia của nhà thầu”. Nếu tuân thủ quy định này, thì cấu hình thiết bị buộc phải xây dựng ở mức chung chung để có nhiều nhà thầu tham gia. Trong khi đó, với thiết bị y tế, chỉ cần một tính năng hiện đại hơn, thì giá đã chênh nhau rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng.
Mặc dù pháp luật về đấu thầu cho phép tham khảo 1 báo giá, có ý kiến chuyên môn của Hội đồng Khoa học và khả năng chi trả về tài chính của bệnh viện, nhưng theo vị trưởng phòng này, khi cấu hình được xây dựng với yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao thì bệnh viện thường bị kiến nghị với lý do là hạn chế nhà thầu. Rốt cuộc, để tránh giải trình phiền hà, lãnh đạo bệnh viện phải chọn phương án mua sắm an toàn nhất. Thực tế này dẫn tới tình trạng khối bệnh viện công chật vật mua sắm, còn khu vực y tế tư nhân đầu tư thì sở hữu nhiều máy móc thiết bị tối tân.
![]() |
Ngoài ra, do hạn chế về nguồn lực, trong một số trường hợp, bệnh viện phải bố trí, phân chia thành nhiều đợt mua sắm khác nhau. Mỗi lần tổ chức mua sắm, thiết bị trúng thầu lại của một hãng khác nhau, nên khi đưa vào hoạt động thì các hệ thống thiết bị đó vận hành không đồng bộ, hóa chất không dùng chung được cho nhiều máy, dẫn đến sự lãng phí nguồn lực.
Góp ý cho Dự thảo Luật, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay, theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch; hồ sơ mời thầu không được nêu nội dung nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư. Tuy nhiên, các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số công nghệ cao, chất lượng tốt thường có đặc điểm, tính năng kỹ thuật đặc thù, riêng biệt so với các sản phẩm thông thường. Vì vậy, chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ này, đặc biệt là mua sắm thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao. Do đó, Bộ Y tế đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu thầu để việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số công nghệ cao, chất lượng tốt bảo đảm tính khả thi, phù hợp, thuận tiện.
Tại Tờ trình Quốc hội về Dự thảo Luật, Chính phủ cũng nêu rõ, trong bối cảnh các ĐVSNCL được khuyến khích thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, việc yêu cầu tuân thủ Luật Đấu thầu đã làm hạn chế tính tự chủ, linh hoạt của các đơn vị này, nhất là các bệnh viện, cơ sở y tế công lập.
Do đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL tự chủ tài chính, đồng thời thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công chưa tự chủ khẩn trương chuyển đổi cơ chế tự chủ theo chủ trương, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu đối với ĐVSNCL đã tự chủ tài chính. Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định tại khoản 7 Điều 3 để cho phép ĐVSNCL nhóm 1 và nhóm 2 được tự quyết định hoạt động mua sắm thường xuyên, mua sắm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước; đối với hoạt động mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm hoạt động của các đơn vị chưa tự chủ tài chính) thì vẫn phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự thống nhất cao đối với nội dung này. Phần lớn ý kiến cho rằng, ĐVSNCL tự chủ về nguồn chi thường xuyên và đầu tư thì nên được quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp. Điều này rất phù hợp cho những đơn vị trong lĩnh vực như y tế, giáo dục và các đơn vị liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Đối với các bệnh viện công lập, việc cho mua sắm gần giống như bệnh viện tư nhân sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh và tháo gỡ vướng mắc liên quan đến nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong ngành y tế.
Hiện nay, cả nước có khoảng 47.000 ĐVSNCL. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc thực hiện phương án này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế chủ động trong hoạt động đấu thầu của khoảng 450 đơn vị tự chủ nhóm 1 (tương đương 0,95% tổng số ĐVSNCL) và khoảng 3.366 đơn vị tự chủ nhóm 2 (tương đương 7,2% tổng số ĐVSNCL). Riêng lĩnh vực y tế, việc cho phép các ĐVSNCL được tự quyết định việc mua sắm sử dụng nguồn thu hợp pháp của mình sẽ giúp cho người dân được tiếp cận với thuốc tốt, vật tư, thiết bị y tế hiện đại, công nghệ cao.
“Nếu thấy đấu thầu tốt hơn thì cứ đấu thầu như bình thường. Còn nếu thấy áp dụng cơ chế chỉ định thầu mà giúp mình làm nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chủ đầu tư cứ lựa chọn, miễn làm sao bảo đảm tính công khai, minh bạch và vì lợi ích chung”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.