Mở rộng cơ hội tham gia đấu thầu dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BKHĐT quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư kinh doanh; cung cấp, đăng tải thông tin về đầu tư PPP, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (gọi tắt là Thông tư số 15).
Thông tư số 15/2024/TT-BKHĐT điều chỉnh mở rộng số năm xác định kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự lên 5 - 10 năm. Ảnh: Lê Tiên
Thông tư số 15/2024/TT-BKHĐT điều chỉnh mở rộng số năm xác định kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự lên 5 - 10 năm. Ảnh: Lê Tiên

Ngoài việc ban hành các mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm áp dụng thống nhất, đồng bộ, Thông tư có một số điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn đánh giá kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự.

Thông tư số 15 gồm 22 điều và 14 phụ lục hướng dẫn chi tiết việc lập hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

Theo Ban soạn thảo, các phụ lục của Thông tư số 15 được xây dựng trên cơ sở trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Nghị định số 23/2024/NĐ-CP, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, kế thừa các quy định về lựa chọn nhà đầu tư đã được áp dụng ổn định, hiệu quả trên thực tế.

Bộ KH&ĐT cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, hiệp hội, Thông tư số 15 đã hoàn thiện một số nội dung về tiêu chuẩn đánh giá kinh nghiệm đầu tư, xây dựng dự án tương tự; tiêu chuẩn đánh giá kinh nghiệm vận hành, kinh doanh dự án tương tự; dự án, gói thầu, hợp đồng hoàn thành, hoàn thành phần lớn; cách thức quy đổi dự án khi xét kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự; tài liệu kê khai để chứng minh kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự; thông tin về các dự án mà đối tác đang thực hiện. Trong đó, giữ nguyên quy định yêu cầu về dự án tương tự có tổng mức đầu tư từ 50% - 70% dự án đang đấu thầu để đánh giá kinh nghiệm đầu tư xây dựng dự án tương tự của nhà đầu tư.

Trong một số trường hợp bất thường (ví dụ dự án quy mô lớn, chưa có dự án tương tự), Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định cho phép bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quy định tại hồ sơ mời thầu yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự thấp hơn tỷ lệ nêu trên. Trong quá trình lấy ý kiến để xây dựng và hoàn thiện Thông tư số 15, một số ý kiến đề nghị Bộ KH&ĐT điều chỉnh thời gian xác định yêu cầu kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự từ 3 - 5 năm lên 5 - 10 năm tính đến năm có thời điểm đóng thầu. Tiếp thu ý kiến của địa phương và doanh nghiệp, Thông tư số 15 đã điều chỉnh mở rộng số năm xác định kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự lên 5 - 10 năm để phù hợp với thực tiễn triển khai các dự án và tăng khả năng tham gia của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Thông tư số 15 đã bổ sung quy định về dự án/gói thầu/hợp đồng hoàn thành phần lớn mà Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo đó, dự án hoàn thành phần lớn là dự án thuộc một trong hai trường hợp. Thứ nhất là có tối thiểu 50% giá trị khối lượng công việc được nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp dự án chưa được nghiệm thu tối thiểu 50% giá trị khối lượng công việc thì phải có giá trị khối lượng công việc được nghiệm thu tối thiểu bằng tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư của dự án đang xét. Thứ hai là có tối thiểu 50% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần theo giai đoạn thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Với gói thầu, hợp đồng hoàn thành phần lớn là đã hoàn thành và được nghiệm thu ít nhất 50% khối lượng công việc của công trình/hạng mục công trình.

Để chứng minh kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, Thông tư số 15 hướng dẫn nhà đầu tư cung cấp tài liệu được cấp có thẩm quyền xác nhận công trình, hạng mục công trình được nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; xác nhận công trình, hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc xác nhận đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

Đối với kinh nghiệm vận hành, kinh doanh công trình, nhà đầu tư cung cấp tài liệu được cấp có thẩm quyền xác nhận việc vận hành đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực và pháp luật khác có liên quan, hoặc văn bản chứng minh giao dịch dân sự đã thực hiện.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Ngọ Trường Nam - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc Thông tư số 15 điều chỉnh mở rộng số năm xác định kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự lên 5 - 10 năm sẽ tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư, nhà thầu đang làm các dự án cao tốc Bắc - Nam hiện nay tham gia vào các dự án PPP, dự án sử dụng đất. Tuy nhiên, để lựa chọn được nhà đầu tư có chất lượng, bên cạnh yêu cầu về hợp đồng tương tự, hồ sơ mời thầu cần có nhiều tiêu chí khác chặt chẽ để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Ông Trần Lương Chiến - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cho biết, việc nới rộng yêu cầu về hợp đồng tương tự của nhà đầu tư trong 5 - 10 năm với quy mô tương tự từ 50 - 70% là phù hợp với thực tiễn, tương thích với yêu cầu phổ thông về tính tương tự của hợp đồng tương tự hiện nay trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư. Mỗi dự án đầu tư cần khoảng 4 - 5 năm để hoàn thành và đưa vào sử dụng, thậm chí có dự án cần đến 6 - 7 năm để hoàn thành, nên yêu cầu về hợp đồng tương tự trong vòng 5 - 10 năm là đúng và sát với thực tiễn triển khai loại dự án này.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phúc Việt cho biết, việc Thông tư số 15 điều chỉnh mở rộng số năm xác định kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự lên 5 - 10 năm sẽ giúp gia tăng cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án, sẽ có nhiều nhà đầu tư, nhà thầu có thể tham gia thực hiện dự án PPP, dự án sử dụng đất. Trên thực tế, với những nhà đầu tư năng lực vừa phải, dồn hết nguồn lực để tập trung đầu tư cho từng dự án thì cũng phải mất 5 năm mới hoàn thành 1 dự án, đó là chưa kể thời gian hoàn thành dự án phải kéo dài hơn do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ.

Tin cùng chuyên mục