Có 3 liên danh nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo hợp đồng BOO. Ảnh: Bích Thảo |
Đây là một trong những dự án được dư luận hết sức quan tâm và kỳ vọng trong việc tạo thuận lợi và minh bạch việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, hạn chế ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí trên toàn quốc.
3 nhà đầu tư nộp HSDT gồm Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) - Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin, Công ty CP Thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương - Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (Liên danh Viettel - Vietinf - VVT - ITD); Liên danh Công ty CP Viễn thông - Tin học Bưu điện (CTIN) - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Liên danh CTIN - VNPT); Liên danh Công ty CP Giải pháp tòa nhà thông minh - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Liên danh IBS - Vinaconex).
Theo quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu, Lễ mở thầu đã được Ban Quản lý dự án 2 tiến hành công khai, minh bạch và đúng các trình tự quy định của pháp luật. Tại Lễ mở HSĐXKT, cả 3 nhà thầu đều kiểm tra niêm phong chéo của nhau để ghi nhận tình trạng nguyên vẹn của các HSDT. Cả 3 nhà thầu đều không có văn bản đề nghị rút HSDT; HSDT đều gồm 1 bản gốc và 6 bản chụp; thời gian có hiệu lực của HSĐXKT đều là 180 ngày kể từ ngày 7/3/2019; bảo đảm dự thầu có giá trị 12 tỷ đồng, có hiệu lực 210 ngày kể từ ngày 7/3/2019. Lễ mở HSĐXKT được tiến hành lần lượt đối với từng nhà thầu và có sự chứng kiến của đại diện 2 nhà thầu còn lại. Sau khi tiến hành mở HSĐXKT của 3 nhà thầu, Tổ chuyên gia đấu thầu của Ban Quản lý dự án 2 đã yêu cầu các nhà thầu kiểm tra tình trạng niêm phong của hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) và yêu cầu các nhà thầu ký chéo để tiếp tục niêm phong HSĐXTC.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Cao Việt Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Ban Quản lý dự án 2 - Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu cho biết, Tổ chuyên gia gồm 5 thành viên và chúng tôi sẽ nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ chấm thầu, sớm chọn được nhà đầu tư thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ và lộ trình của Dự án mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu (chậm nhất là ngày 31/12/2019 sẽ hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào triển khai trạm thu phí tự động không dừng trên toàn quốc).
Đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho biết, theo kế hoạch, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.751 tỷ đồng, thực hiện lắp đặt trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng đối với 33 trạm thu phí trong cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh phương án tài chính đối với Dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lấy ý kiến của các địa phương và một số địa phương đã đề xuất được tự đầu tư trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng tại các trạm thu phí do địa phương quản lý (tổng cộng là 11 trạm thu phí). Vì vậy, tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án hiện chỉ còn hơn 1.200 tỷ đồng và nhà đầu tư trúng thầu sẽ thực hiện xây dựng, lắp đặt trạm thu phí tự động không dừng cho 22 trạm thu phí.