Mua sắm thiết bị lớp 7 tại Sở GD&ĐT Kiên Giang: Nhiều yêu cầu cản bước nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu số 8 Mua sắm trang thiết bị tối thiểu lớp 7 và thiết bị khoa học tự nhiên (Trung học cơ sở) thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị dạy học giáo dục phổ thông 2018 tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Kiên Giang đã cận kề thời điểm mở thầu, nhưng loạt kiến nghị, khúc mắc giữa các nhà thầu và Chủ đầu tư, Bên mời thầu vẫn chưa có hồi kết.
Gói thầu số 8 có giá 46,379 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 10 – 28/9/2024. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Gói thầu số 8 có giá 46,379 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 10 – 28/9/2024. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Gói thầu số 8 có giá 46,379 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách địa phương. Gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư, giao Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Kiến Trúc Xanh Việt Nam làm bên mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 10 - 28/9/2024.

Từ thời điểm mời thầu đến nay, Gói thầu ghi nhận hàng loạt văn bản kiến nghị điều chỉ HSMT. Trong đó, trọng tâm là yêu cầu về hàng mẫu, cùng các yêu cầu kỹ thuật của một số mặt hàng mua sắm được cho rằng chưa phù hợp với quy định chuyên ngành hoặc có tính chất định hướng, dẫn tới khó khăn cho nhà thầu.

Cụ thể, Chương V – HSMT quy định về “Kiểm tra và thử nghiệm” như sau: “Do tính đặc thù của một số trang thiết bị giáo dục, nên trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), nếu HSDT được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, thì nhà thầu sẽ được thông báo mời đến địa điểm của Bên mời thầu để nộp và kiểm tra, thử nghiệm thực tế trang thiết bị dự thầu. Việc nộp và kiểm tra, thử nghiệm thực tế được thực hiện trong vòng 5 ngày kể từ ngày Bên mời thầu phát hành thông báo; Trường hợp kiểm tra, thử nghiệm thực tế có ≥ 1 thiết bị không đúng với thông tin thiết bị mà HSDT đã kê khai dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là có hành vi gian lận...”.

Phản ứng trước yêu cầu này, có đến 3 nhà thầu đồng loạt gửi văn bản kiến nghị Bên mời thầu điều chỉnh HSMT. Theo các nhà thầu, về bản chất, yêu cầu nêu trên chính là yêu cầu về hàng mẫu, là tiêu chí trực tiếp gây bất lợi, khó khăn đối với các nhà thầu, nhất là ở giai đoạn dự thầu. Ngoài những thiết bị điện - điện tử và thiết bị bộ môn có giá trị lớn, thì mặt hàng tranh - ảnh cũng phát sinh chi phí rất lớn để tạo ra hàng mẫu, đặc biệt, quy trình in offset rất phức tạp và tốn rất nhiều chi phí, ước tính để sản xuất hàng mẫu cho 33 danh mục tranh ảnh tại HSMT, nhà thầu có thể phải chi trả đến hàng trăm triệu đồng.

“Việc phải chuẩn bị và vận chuyển một số lượng lớn trang thiết bị để kiểm tra trong thời gian ngắn gây áp lực rất lớn đối với các nhà thầu trong giai đoạn dự thầu. Đặc biệt, việc nhà thầu phải chuẩn bị và vận chuyển thiết bị đến địa điểm kiểm tra trong vòng 5 ngày gây tăng chi phí vận chuyển và bảo quản, làm tăng giá dự thầu. Điều này sẽ trực tiếp làm tăng giá dự thầu để bù đắp cho các chi phí phát sinh không cần thiết này, đặc biệt là những nhà thầu ở miền Bắc như chúng tôi”, một nhà thầu phân tích.

Cũng theo các nhà thầu, trong số danh mục 90/134 thiết bị yêu cầu thử nghiệm, thực tế nhiều sản phẩm trong số đó đều đã có các chứng chỉ, giấy phép lưu hành hợp pháp và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Đồng thời, trong HSDT, các nhà thầu đã cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng và thông số kỹ thuật của các thiết bị dự thầu. Do đó, yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm là không cần thiết, dẫn đến hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa, đối với “đàn phím điện tử”, các nhà thầu chỉ ra rằng, đối chiếu các đặc tính kỹ thuật được quy định tại HSMT, nhà thầu khẳng định đây là sản phẩm thuộc thương hiệu Roland E-X50. Sản phẩm này không có văn phòng đại điện của nhà sản xuất tại Việt Nam, mà chỉ được phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam bởi một doanh nghiệp. Tương tự, thông số kỹ thuật của sản phẩm “âm thoa” cũng được yêu cầu quá chi tiết, định hướng đến sản phẩm độc quyền mà các nhà thầu không thể tiếp cận nguồn hàng hóa cũng như các loại tài liệu liên quan. Từ đó, các nhà thầu đặt ra nghi ngại về tính cạnh tranh trong đấu thầu.

Ngoài ra, các nhà thầu cũng chỉ ra nhiều danh mục thiết bị mời thầu không tuân thủ đúng tiêu chuẩn về kỹ thuật quy định tại Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp Trung học cơ sở. Đơn cử, các loại tranh ảnh trong HSMT yêu cầu định lượng giấy 230 g/m2 (Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT quy định 200 g/m2); đồng hồ vạn năng số; dụng cụ đo các đại lượng không điện...

Ngày 25/9/2024, trong văn bản phúc đáp các nhà thầu, Bên mời thầu khẳng định, việc yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm thực tế để chứng minh trang thiết bị dự thầu của nhà thầu đúng theo thông tin nhà thầu đã kê khai, với mục đích là lựa chọn các trang thiết bị giáo dục đúng và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các trường trên địa bàn tỉnh; đồng thời cũng chứng minh khả năng cung cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu, tiến độ của gói thầu. Việc kiểm tra, thử nghiệm thực tế sẽ thực hiện một cách công khai, minh bạch, công bằng, công tâm (không có bất kỳ yếu tố nào làm khó nhà thầu hoặc làm hạn chế nhà thầu tham dự gói nhầu này).

Đối với phản ánh về thông số kỹ thuật, Bên mời thầu khẳng định, các đặc tính, tính năng kỹ thuật hoàn toàn phù hợp với thiết kế chi tiết đã được phê duyệt và hoàn toàn không phải là thiết kế theo hàng hóa độc quyền, trên thị trường có rất nhiều thiết bị có đặc tính kỹ thuật, tính năng kỹ thuật bằng, tương đương hoặc cao hơn so với yêu cầu của HSMT. Do đó, đề nghị các nhà thầu quan tâm nghiên cứu và tuân thủ đúng các yêu cầu trong HSMT đã phát hành.

Liên quan đến yêu cầu về hàng mẫu, Điều 26 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT quy định, “HSMT không được đưa ra yêu cầu về hàng mẫu; trường hợp cần yêu cầu về hàng mẫu để đánh giá về kỹ thuật thì chủ đầu tư phải trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tờ trình phải nêu rõ lý do yêu cầu về hàng mẫu. Chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu cung cấp hàng mẫu không dẫn đến làm tăng chi phí của gói thầu, hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”. Chuyên gia đấu thầu cho rằng, bên cạnh rủi ro làm phát sinh chi phí cho nhà thầu khi chưa xác định được khả năng trúng thầu, thì trách nhiệm về tính khách quan khi đánh giá, kiểm định hàng mẫu cũng là vấn đề khiến các nhà thầu phải lưu tâm.

Tin cùng chuyên mục