Mua sắm thiết bị tại Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): Bất cập trả lời làm rõ HSMT

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, Báo Đấu thầu đã có một số bài viết phản ánh về tình trạng nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu trả lời nội dung đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu (HSMT) chưa thực sự thuyết phục, thiếu cơ sở, khiến nhà thầu bức xúc. Câu chuyện tương tự được ghi nhận tại một số gói thầu mua sắm do các đơn vị trực thuộc Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mời thầu.
Một số gói thầu mua sắm thiết bị do các đơn vị trực thuộc Cục Thú y mời thầu đưa ra yêu cầu về thông số kỹ thuật quá chi tiết. Ảnh minh họa: N.C
Một số gói thầu mua sắm thiết bị do các đơn vị trực thuộc Cục Thú y mời thầu đưa ra yêu cầu về thông số kỹ thuật quá chi tiết. Ảnh minh họa: N.C

Đầu tháng 4/2024, Chi cục Thú y vùng III tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 1 Mua sắm trang thiết bị phòng thí nghiệm năm 2024 (gồm 8 loại tài sản) thuộc Dự toán Mua sắm tài sản đợt 1 năm 2024. Trong thời gian phát hành HSMT, nhà thầu đã liên tục có văn bản đề nghị Bên mời thầu điều chỉnh thông số kỹ thuật của hàng hóa mời thầu, do cho rằng loạt thông số này miêu tả một cách chi tiết kích thước, khối lượng, một số thiết bị ghi cả tên riêng phụ kiện tiêu chuẩn và tên thương hiệu của hãng sản xuất, định hướng đến model cụ thể. Chẳng hạn, tủ ấm thể tích 165L (model: MCO-170ACL-PE; hãng: PHCbi - Nhật Bản); bể ổn định nhiệt (Water bath) (model: PURA 22; hãng: Julabo - Đức); tủ an toàn sinh học cấp II (model: AC2-4E8; hãng: Esco - Singapore); tủ lạnh âm đứng âm 30 độ C (Model: MDF-MU339-PE; hãng: PHCbi - Nhật Bản); máy li tâm lạnh đa năng (model: 5430R; hãng: Eppendoft - Đức)... Ngoài ra, Nhà thầu phản ánh HSMT quy định nhà thầu tham dự phải “cung cấp giấy phép bán hàng” đối với các thiết bị chính trong Gói thầu, hay đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn ISO, IEC, IEST, JIS, EN, UL, CAN/CSA… là vi phạm khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 khi “đưa ra các yêu cầu mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu”.

Trong 2 văn bản phản hồi nhà thầu, Chi cục Thú y vùng III khẳng định: “Tiêu chuẩn về chế tạo, quy trình sản xuất các vật tư và thiết bị cũng như tham chiếu đến các nhãn hiệu hàng hóa hoặc số catalogue quy định tại Chương V chỉ nhằm mục đích mô tả và không nhằm mục đích hạn chế nhà thầu. Nhà thầu có thể đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa khác miễn là nhà thầu chứng minh cho Bên mời thầu thấy rằng, sự thay thế đó đảm bảo sự tương đương hoặc cao hơn yêu cầu tại Chương V”.

Kết quả, Công ty CP Khoa học kỹ thuật quốc tế Thăng Long là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu. Danh mục hàng hóa trúng thầu được công bố cho thấy, thông tin các model/hãng sản xuất của 8 loại thiết bị trúng thầu hoàn toàn trùng khớp với danh sách model/hãng sản xuất như phản ánh trước đó của các nhà thầu.

Cũng trực thuộc Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng II đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác xét nghiệm (gồm 4 loại tài sản). Ngày 22/4/2024, một nhà thầu có văn bản đề nghị Bên mời thầu điều chỉnh thông số kỹ thuật mang tính “độc quyền” thông qua miêu tả chi tiết, chính xác đến hàng chữ số thập phân số liệu; đưa cả danh từ riêng của hãng sản xuất, qua đó, các nhà thầu không khó để nhận ra HSMT đang định hướng đến các model cụ thể như: thiết bị phân phối môi trường bán tự động (model: DOSE IT; hãng: INTEGRA - Thụy Sỹ); máy tách chiết RNA/DNA tự động (96 mẫu/1 lần chạy) (model: Maelstrom 9610; hãng: TANBead - Đài Loan); Pipet Aid (model: Easypet3; hãng: Eppendorf - Đức)...

Bên cạnh đó, việc HSMT yêu cầu cung cấp kèm theo một số thiết bị phụ trợ như máy tính điều khiển, máy in màu, bộ lưu điện, hệ thống bàn thí nghiệm chống chịu hóa chất... mà không có mô tả, yêu cầu cụ thể khiến nhà thầu không có cơ sở để chào thầu.

Trước đề nghị làm rõ của Nhà thầu, Bên mời thầu kiên quyết bảo lưu các tiêu chí kỹ thuật đã xây dựng và cho biết: “thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn, đặc tính sản phẩm, quy cách cũng như cấu hình cung cấp được xây dựng dựa trên dự toán mua sắm và chứng thư thẩm định giá... Khi đưa thông số vào HSMT, chúng tôi đã lược bỏ các thông tin cá biệt về hãng sản xuất, xuất xứ, mã sản phẩm và các nội dung không cần thiết khác”.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, trên thực tế, rất nhiều HSMT đưa yêu cầu bằng cách sao chép y nguyên catalogue/thông số kỹ thuật của một sản phẩm cụ thể và không quy định rõ nội hàm tương đương, khiến nhà thầu bị hạn chế về sản phẩm tham gia chào thầu.

Trong khi đó, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc sử dụng cụm từ “tương đương” được hiểu là tiêu chí mở, nhưng việc tìm được sản phẩm tương đương dựa trên hàng loạt thông số kỹ thuật (nếu có cả những thông số kỹ thuật mang yếu tố độc quyền của hãng cụ thể nào đó) là bài toán khó đối với nhà thầu, dễ dẫn đến hạn chế cạnh tranh.

Tin cùng chuyên mục